Để đảm bảo sản xuất thắng lợi, các địa phương, ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng luôn siết chặt quản lý chất lượng tôm giống, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển tôm giống kém chất lượng, không rõ nguồn gốc bán trên địa bàn, nhằm giảm rủi ro cho người nuôi.

Đặc biệt quan tâm 

Để đảm bảo việc trao đổi thông tin kịp thời, phục vụ công tác quản lý giữa Cục Thủy sản với các địa phương cung cấp và tiêu thụ giống tôm nước lợ cũng như tăng cường công tác quản lý nhà nước về nâng cao chất lượng tôm giống, góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu tôm là 10 tỷ USD vào cuối năm 2025; hằng năm, ngành thủy sản Sóc Trăng luôn tham gia ký kết quy chế phối hợp quản lý tôm nước lợ giữa các địa phương ven biển. Công tác tuần tra, kiểm soát vận chuyển tôm giống thủy sản và thực hiện quy chế phối hợp, chia sẻ thông tin về số lượng tôm giống nhập, xuất trên địa bàn tỉnh đã được ngành nông nghiệp quan tâm thực hiện. 

Ông Đào Văn Bảy, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Sóc Trăng cho biết, để kiểm soát chặt nguồn tôm giống nhập vào địa bàn tỉnh, đơn vị đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, lập các chốt lưu động để thực hiện kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến đường, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về hành vi không thực hiện kiểm dịch động vật thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch. Đồng thời, lấy mẫu những lô hàng khả nghi để xét nghiệm nhằm kịp thời phát hiện nguy cơ lây truyền dịch bệnh trên tôm, góp phần đảm bảo chất lượng nguồn tôm giống nhập tỉnh, hạn chế dịch bệnh xảy ra. 

tôm giống

Sóc Trăng có khả năng cung cấp khoảng 1,5 tỷ tôm giống, tương đương khoảng 7 – 8% so với nhu cầu thực tế. Ảnh: V-U

Trong năm 2022, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Sóc Trăng đã kiểm tra 86 phương tiện vận chuyển giống thủy sản qua địa bàn tỉnh, phát hiện 13 trường hợp vi phạm về hành vi không thực hiện kiểm dịch động vật trên thủy sản thuộc diện phải kiểm dịch, đã tiến hành xử phạt theo quy định. Bên cạnh đó, từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị cũng đã phát hiện 4 trường hợp dương tính với bệnh hoại tử gan tụy cấp, đốm trắng, ra quyết định buộc tiêu hủy toàn bộ lô hàng. 

Đảm bảo con giống chất lượng 

Tính đến hết tháng 7/2023, toàn tỉnh Sóc Trăng đã thả nuôi được 50.882,8 ha tôm, đạt 68,8% so kế hoạch. Nhờ thực hiện tốt công tác kiểm soát vận chuyển giống thủy sản cũng như kiểm dịch tôm giống, đến thời điểm này Sóc Trăng đảm bảo nguồn con giống chất lượng cung cấp cho các hộ nuôi tôm. Hiện nay, toàn tỉnh có 118 cơ sở đang hoạt động ương dưỡng tôm giống, định kỳ hàng tuần Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng tiến hành lấy mẫu để kiểm tra, giám sát qua đó khuyến cáo cho hộ nuôi. Trường hợp phát hiện dương tính với các loại dịch bệnh trên tôm sẽ thực hiện tiêu hủy. 

Ông Nguyễn Hoài An, Giám đốc Cơ sở sản xuất tôm giống Gia Hóa Bình Minh, huyện Kế Sách, cho biết: “Nhằm đảm bảo cho bà con có được một vụ sản xuất thành công, chúng tôi tuân thủ đầy đủ giải pháp an toàn sinh học trong quá trình sản xuất, ương dưỡng. Hiện nay chúng tôi thực hiện 100% tôm bố mẹ là tôm gia hóa, đảm bảo sạch bệnh. Thức ăn cho tôm bố mẹ được hấp tiệt trùng trước khi đưa vào sử dụng. Đối với nguồn nước sử dụng trong quá trình sản xuất giống cũng được xử lý qua nhiều cấp lọc nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất. Đặc biệt, từng lô tôm giống từ ngày nhập đến khi xuất đều được kiểm soát chặt chẽ và được gửi mẫu đến cơ quan kiểm dịch trước khi cung ứng đến vùng nuôi”. 

>> Theo bà Quách Thị Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, hàng năm, lượng tôm giống thả nuôi trên địa bàn tỉnh bình quân từ 18 – 20 tỷ con. Thế nhưng, hiện nay tỉnh chỉ có 2 cơ sở sản xuất giống, với khả năng cung cấp khoảng 1,5 tỷ con, chỉ đáp ứng khoảng 7 – 8% so với nhu cầu thực tế. Phần lớn nguồn con giống đều phải nhập từ các địa phương khác. 

Diệu Châu