Hội chợ Triển lãm Quốc tế Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ 5 năm 2024 (VietShrimp 2024) tại Cà Mau từ ngày 20 đến 22/3/2024 đã thành công, thu hút hàng vạn lượt khách tham quan, để lại niềm tin phát triển. Đặc biệt là phát triển xanh, tất cả “đồng hành cùng người nuôi tôm” theo kinh tế tuần hoàn để đưa ngành tôm vươn tầm thế giới.

Hôm khai mạc, Chủ tịch Hội Thủy sản Việt Nam Nguyễn Việt Thắng đã nhấn mạnh: “VietShrimp 2024 đồng hành cùng người nuôi tôm, là diễn đàn lớn để 4 nhà: Nhà quản lý – Nhà khoa học – Nhà kinh doanh – Nhà nông tìm giải pháp hữu hiệu nhất đưa ngành tôm Việt Nam trở lại quỹ đạo tăng trưởng”. Bên cạnh triển lãm công nghệ và sản phẩm tiên tiến, có 4 cuộc hội thảo chuyên đề với sự tham gia của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp. Đó là: Nghiên cứu ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn chuỗi giá trị tôm Việt; Đối thoại về ngành tôm ít phát thải và bền vững theo kinh tế tuần hoàn; Tăng cường chất lượng nâng tầm giá trị; Để nuôi tôm đem lại hiệu quả cao nhất.

Có thể kể những tham luận được chú ý. Tổng quan chuỗi tôm Việt dưới góc nhìn kinh tế tuần hoàn của Bộ KH&ĐT. Giải pháp công nghệ đối với sản phẩm tôm Việt-Định hướng theo kinh tế tuần hoàn của WWF Việt Nam. Phương pháp kiểm soát bệnh do vi khuẩn ở tôm không dùng kháng sinh của Trường Đại học Nha Trang. Ứng dụng công nghệ sinh học nuôi tôm trong giảm phát khí thải của Tập đoàn Minh Phú. Phát triển hệ sinh thái thuỷ sản bền vững dựa trên dữ liệu của Tomota. Nuôi trồng không phát thải của Skretting. Giải pháp dinh dưỡng hiệu quả để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững cho ngành tôm của De Heus. Mô hình nuôi tôm 3 tốt của Uni Prestident…

Hoạt động của VietShrimp 2024 càng có ý nghĩa khi, vào chiều 21/3/2024 cũng tại Cà Mau, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị Quốc gia huy động nguồn lực thực hiện các giải pháp nông nghiệp thuận thiên tại ĐBSCL. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Thuận thiên không phải là không làm gì cả, mà là quá trình thích nghi, hài hòa giữa con người với tự nhiên một cách có kiểm soát, thuận theo các quy luật của tự nhiên để đem lại lợi ích cho con người và bảo vệ hệ sinh thái”.

Tại hội nghị, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Minh Phú phát biểu: Mô hình tôm – lúa là một hình thức canh tác nông nghiệp độc đáo, thuận thiên của ĐBSCL; nông dân mua lúa và tôm giống với số tiền không lớn nhưng có thể thu 250-500 triệu đồng/ha/năm; tuy nhiên, để đạt được cần liên kết diện tích lớn. Đại diện WWF Việt Nam thống nhất mô hình tôm-lúa là giải pháp thuận thiên có hiệu quả và giới thiệu thêm: Lúa – cá, lúa – sen, tôm – rừng cho kết quả kinh tế mà vẫn bảo tồn được đa dạng sinh học và môi trường sinh thái.

Tham dự hội nghị của Bộ NN&PTNT và cả VietShrimp 2024, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử bày tỏ: “VietShrimp 2024 tổ chức ở Cà Mau có ý nghĩa rất thiết thực, không chỉ góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, hình ảnh và thương hiệu tôm Việt Nam, mà còn là cơ hội để các ngành, đơn vị chức năng và người dân tỉnh Cà Mau có điều kiện học hỏi, tích lũy kinh nghiệm để tổ chức tốt việc sản xuất, chế biến và xuất khẩu tôm trong thời gian tới, vừa nâng cao hiệu quả kinh tế vừa bảo vệ được môi trường”.

Sáu Nghệ