Dù giá tôm đang ở mức cao, nhu cầu thị trường đang lớn, nhưng mùa tôm mới năm nay vẫn khởi đầu khá chậm so cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu là do độ mặn thấp hơn so với mọi năm. Tuy nhiên, mọi thứ bắt đầu thay đổi khi các dự báo đều cho thấy độ mặn đang dần tăng nhanh và xâm nhập sâu vào nội đồng.

Tăng diện tích thả nuôi

Lịch thả giống do Sở NN&PTNT Trà Vinh ban hành cho biết, thời gian thả giống vụ tôm nước lợ năm 2023 bắt đầu từ ngày 1/12/2022 đến 31/8/2023 đối với 2 địa bàn ven biển là huyện Duyên Hải và TX. Duyên Hải, cùng một phần của huyện Cầu Ngang. Riêng các khu vực còn lại của huyện Cầu Ngang thả giống từ 15/12/2022 đến 31/8/2023. Với lịch thả giống trên, cùng với độ mặn về tương đối sớm và giá tôm cao, đến hết tuần đầu tháng 1/2023, toàn tỉnh thả nuôi khoảng 6.300 ha; trong đó, tôm sú gần 5.600 ha và tôm thẻ chân trắng (TTCT) 70 ha. Diện tích thả nuôi đang có chiều hướng tăng dần, khi từ ngày 10/2, tại hầu hết các vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm của tỉnh, độ mặn đã đạt ngưỡng phù hợp cho việc thả giống vụ nuôi mới. Cụ thể, 2 địa bàn trọng điểm là TX. Duyên Hải và huyện Duyên Hải độ mặn thấp nhất 15‰, cao nhất 25‰. Riêng huyện Cầu Ngang độ mặn dao động 3 – 7‰.

Tỉnh Sóc Trăng, nơi có diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh lớn nhất cả nước, do phần lớn diện tích nuôi tôm đều nằm sâu trong nội đồng nên độ mặn trễ hơn. Vì vậy, đến giữa tháng 2, toàn tỉnh mới thả nuôi được 553,7 ha, bằng 57,5% so cùng kỳ. Trong đó, diện tích thả nuôi TTCT là 494,7 ha và tôm sú là 59 ha. Tuy nhiên, theo dự báo, độ mặn đang tiếp tục tăng lên và đi sâu vào nội đồng từ sau ngày 16/2, nên khả năng tiến độ thả nuôi sẽ tăng nhanh vào nửa cuối tháng 2 và tháng 3 tới. Ông Ngô Công Luận, Giám đốc HTX Nông ngư 14/10 Ấp Hòa Nhờ A, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Giá tôm tăng cao từ cuối năm ngoái đến nay, nên ai cũng muốn thả nuôi sớm để bán được giá, nhưng kẹt một điều là độ mặn đến giờ vẫn chưa đạt yêu cầu. Hiện phần lớn đều đã cải tạo ao hoàn chỉnh, chỉ chờ con nước đủ độ mặn là lấy vào xử lý để thả giống thôi”.

Thắng lợi từ vụ nuôi trước khiến người dân thêm tự tin bước vào đợt thả giống mới. Ảnh: VM

Theo ông Nguyễn Sỹ Minh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang: Tính theo lịch thời vụ thả tôm nước lợ năm 2023, đến nay cả 4 huyện vùng tôm – lúa của tỉnh Kiên Giang là: An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng đã trễ hơn 1 tháng, nguyên nhân chính là do độ mặn tại các vùng nuôi trên vẫn còn khá thấp, so với độ mặn trung bình cùng kỳ nhiều năm qua.

Kết quả quan trắc của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Kiên Giang cho biết: Đầu năm nay, nước mặn xâm nhập tương đối thấp. Ðộ mặn cao nhất khu vực sông Cái Bé, Cái Lớn trong tháng 1/2023 ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm 7‰. Đến đầu tháng 2 này, độ mặn tại hầu hết các cửa sông, rạch tại những vùng nuôi tôm của tỉnh vẫn còn khá thấp, khiến cho việc thả nuôi vụ mới bị chậm tiến độ rất nhiều. Trong khi đó, đây là vùng chủ yếu nuôi tôm sú luân canh với lúa nên cần độ mặn cao từ 20 – 25‰, như vậy mới đảm bảo tốc độ tăng trưởng và chất lượng tôm nuôi. Tuy nhiên, khung lịch thời vụ vẫn còn, nên người nuôi tôm ở Kiên Giang vẫn kiên nhẫn chờ con nước mặn tới đây được dự báo sẽ cao hơn, để lấy nước vào thả nuôi vụ mới, nhằm đảm bảo tính hiệu quả ở vụ nuôi này.

Một số huyện chuyên tôm – lúa Bắc quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu như: Hồng Dân, Phước Long, người dân cũng đang sốt ruột vì độ mặn thấp, chưa thể thả giống theo lịch thời vụ được. Là tỉnh có 3 mặt giáp biển, nên phần lớn diện tích 280.000 ha nuôi tôm của tỉnh Cà Mau, hiện tại độ mặn đều đã đạt yêu cầu cho việc thả giống vụ nuôi mới này. Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Cà Mau, đến hết tuần đầu tháng 2, toàn tỉnh thả nuôi gần 278.500 ha tôm nước lợ trong tổng số 280.000 ha theo kế hoạch. Trong đó, diện tích nuôi nuôi quảng canh thả nuôi 92.763 ha, quảng canh cải tiến 179.461 ha, thâm canh 1.899 ha và siêu thâm canh 4.363 ha.

Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau cho biết: “Số diện tích nuôi tôm còn lại theo kế hoạch khoảng 1.500 ha, chủ yếu là mô hình siêu thâm canh và thâm canh, nên chắc chắn cũng sẽ đạt theo kế hoạch trong thời gian tới. Với giá tôm cao như hiện nay, chỉ cần vượt qua 60 – 65 ngày là người nuôi theo mô hình quảng canh và quảng canh cải tiến sẽ có lời, nên tất cả đều đang rất kỳ vọng vào vụ tôm này”.

Tuân thủ các khuyến cáo

Những ngày nửa cuối tháng 2/2023, mưa trái mùa đã gần như dứt hẳn, thời tiết cũng bớt lạnh hơn, đây là điều kiện thuận lợi cho việc đẩy nhanh tiến độ cải tạo ao nuôi, chuẩn bị thả tôm giống vụ nuôi mới. Không chỉ có thời tiết ủng hộ cho mùa vụ mới, mà bản tin quan trắc môi trường của các tỉnh nuôi tôm ở ĐBSCL cũng liên tục thông báo tình hình độ mặn đang tăng dần lên, ngày một tiến sâu hơn vào khu vực nội đồng. Cùng đó, giá tôm từ sau Tết Nguyên đán đến nay không ngừng thiết lập đỉnh mới, bất chấp sức mua từ các nhà máy đã sụt giảm khá nhiều. Ngoài ra, hiện một số doanh nghiệp cung ứng giống uy tín, cũng đang tung ra các chương trình khuyến mãi tôm giống lên đến 30%… Đây có thể là chất xúc tác, giúp đẩy nhanh tiến độ thả giống tại các vùng nuôi trong khu vực.

Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia, tình hình nuôi tôm nước lợ năm 2023 sẽ có nhiều khó khăn, với dự báo nắng nóng sẽ tiếp tục gay gắt trong những tháng tới, một số dịch bệnh nguy hiểm trên tôm như: EHP, đốm trắng, gan tụy…  đã bắt đầu xuất hiện rải rác và gây thiệt hại một số nơi. Lưu ý, người nuôi cần hết sức thận trọng ngay từ khâu cải tạo ao nuôi đến xử lý nước, chọn con giống chất lượng từ đơn vị có uy tín… Quan tâm đến yếu tố thời tiết, môi trường vùng nuôi và độ mặn thích hợp. Chú ý lấy nước vào ao nuôi để thả tôm theo đúng lịch thời vụ mà ngành chuyên môn khuyến cáo.

Đặc biệt, ngành Nông nghiệp các địa phương cần tăng cường công tác thanh – kiểm tra tôm giống, nhằm đảm bảo chất lượng con giống cung ứng đến các hộ nuôi, góp phần cho người dân có vụ nuôi năm 2023 thành công.

>> Năm 2023, về diện tích sản xuất ngành tôm Việt Nam, cơ bản giữ ổn định với tổng diện tích 737.000 ha. Sản lượng dự kiến tăng lên 960.000 tấn, trong đó tôm sú đạt 280.000 tấn, TTCT đạt 680.000 tấn. Tiếp tục điều chỉnh tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp phù hợp, để tăng giá trị đối với sản lượng nuôi, góp phần tăng giá trị sản xuất đối với sản phẩm tôm nước lợ, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.

Xuân Trường