Từ ngày 24 – 26/7/2023, tại TP HCM diễn ra “Hội nghị thượng đỉnh ngành hàng Tôm 2023” (2023 Shrimp Summit) nhằm đưa ra những giải pháp để giải quyết những thách thức nghiêm trọng mà ngành nuôi tôm ở châu Á và trên toàn cầu đang phải đối mặt.

“Hội nghị thượng đỉnh ngành hàng Tôm 2023” được tổ chức nhằm thảo luận và đưa ra giải pháp cho những thách thức nghiêm trọng mà ngành hàng tôm ở châu Á và trên toàn cầu đang phải đối mặt. Khắc phục các vấn đề liên quan đến sản xuất trì trệ, đảm bảo sinh kế cho người nuôi tôm. Hội nghị diễn ra với trọng tâm xuyên suốt là “tính bền vững” và “thích ứng biến đổi khí hậu”. Hội nghị hướng tới mục tiêu giải quyết các vấn đề thách thức liên quan đến ngành hàng tôm thông qua việc thảo luận, tìm kiếm những giải pháp đồng thuận, có tính khả thi cao. Sự kiện này được tổ chức bao gồm cả các cuộc hội thảo trực tuyến (webinars) dưới hai hình thức trực tiếp và trực tuyến nhằm cung cấp thông tin trước, trong và sau sự kiện của Hội nghị. 

Hội nghị thượng đỉnh ngành hàng Tôm 2023

Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh ngành hàng Tôm 2023. Ảnh: Nghĩa Dương 

Trong khuôn khổ của Hội nghị, chuỗi hoạt động bao gồm một số nội dung chính như buổi tham quan trang trại tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh của Minh Phú, được hỗ trợ bởi GroBest Việt Nam; phiên thảo luận về các cơ sở dữ liệu sản xuất của các nhà sản xuất lớn trên thế giới, đồng thời dự báo sản lượng dự kiến trong năm 2023 – 2024, cũng như đánh giá nhu cầu ở các thị trường lớn bao gồm Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản; chương trình hội thảo về quản lý dịch bệnh, xử lý và tái sử dụng nước tại các trang trại nuôi tôm siêu thâm canh; buổi thảo luận giải pháp giảm thiểu phát thải khí nhà kính và các tác động khác từ thức ăn nuôi tôm bằng cách đánh giá các thành phần thức ăn có nguồn gốc khác nhau, áp dụng các tiến bộ trong sản xuất và quản lý phân phối thức ăn trong ao nuôi tôm thương phẩm, cải tiến để hỗ trợ tốt hơn cho các trang trại sản xuất quy mô nhỏ, giúp các trang trại này nâng cao hiệu quả kinh doanh, cụ thể là nâng cao chất lượng sản phẩm, định giá hợp lý và tiếp cận các thị trường cao cấp bao gồm thị trường thủy sản hữu cơ.

Oanh Thảo – An Vy

Nguồn: Tạp chí Thủy sản Việt Nam

17h01, GMT, 26/7/2023

Phát hiện căng thẳng ở tôm với RAS của Oceanloop 

Công ty Oceanloop ở Đức mới đây đã cho ra mắt phần mềm phát hiện mức độ căng thẳng trên tôm, với mục đích đảm bảo tỷ lệ sống sót cao trong đàn.

Mô hình của Oceanloop không chỉ phân biệt được những bộ phận khác nhau trên cơ thể tôm – yếu tố cần thiết để tính toán tổng sinh khối trong bể nuôi, nhờ đó cải thiện hiệu quả thức ăn – mà còn phát hiện sự thay đổi màu sắc ở đuôi tôm, một dấu hiệu cho thấy tôm đang chịu mức căng thẳng cao và dễ nhiễm bệnh.

Ông Bert Wecker, Giám đốc điều hành kiêm Giám đốc công nghệ của Oceanloop cho biết, trước đó tình trạng tôm bị căng thẳng có được phát hiện, nhưng thời điểm phát hiện luôn khá trễ để xử lý. Tuy nhiên, với mô hình mới, cảnh báo được gửi tới đội ngũ điều hành trại tôm chỉ trong vài phút.

Công ty đã được cấp bằng sáng chế cho công nghệ này, tuy nhiên không sản xuất để bán.

14h18, GMT, 26/7/2023

Liệu có chiến dịch tiếp thị tôm thống nhất?

Khi toàn ngành phụ thuộc vào sự tăng trưởng của tiêu dùng, Hội nghị Thượng đỉnh Tôm đóng vai trò kết nối các đại diện của Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan và Việt Nam trong công cuộc tìm kiếm chiến dịch tiếp thị liên kết.

Dù đây không phải ý tưởng mới – ý tưởng này đã được thảo luận cho ngành tôm Mỹ vào năm 2018 – nhưng trong bối cảnh khó khăn về giá như hiện nay, đây là một ý tưởng vô cùng cần thiết.

Ông Sandro Coglitore, Giám đốc điều hành của Omarsa phát biểu: “Tôi nghĩ tại Ecuador, hầu hết người nuôi tôm và các nhà chế biến đều sẵn sàng gia nhập chiến dịch liên minh, không chỉ thúc đẩy ngành tôm Ecuador mà còn phát triển ngành tôm toàn cầu. Chúng ta đã có thể làm điều này vào năm 2018, nhưng chúng ta đã không làm. Nếu năm 2023 tình trạng khủng hoảng giá được giải quyết và chúng ta lãng quên những gì xảy ra, thì chắc chắn năm 2025 chúng ta sẽ ngồi đây và thảo luận những gì hôm nay chúng ta đang thảo luận.”

Ông Travis Larkin, CEO của Seafood Exchange (Mỹ) nhấn mạnh cần đưa ra thời gian cụ thể để thảo luận kỹ hơn việc này, ông nói: “Sau buổi họp ở Guayaquil, chúng tôi đã thành lập một đội ở Mỹ để lên kế hoạch. Mọi việc tiến triển khá tốt, nhưng chúng tôi đã mất động lực vào cuối năm 2018, đầu 2019. Bởi vì chúng tôi đã lựa chọn sai một mắt xích trong chuỗi cung ứng để quản lý – chúng tôi đã cố gắng quản lý mắt xích giữa các nhà nhập khẩu, nhà bán lẻ, nhà phân phối ở Mỹ, nhưng không nghĩ tới việc kiểm soát sản xuất toàn cầu. Thông điệp của tôi muốn nhắn gửi tới các bạn là bất cứ bạn đang làm gì, nuôi trồng, sản xuất hay xuất khẩu sang Mỹ, chúng tôi có thể hợp tác với bạn để xây dựng một đơn vị để quản lý tiếp thị và các chiến dịch, dưới sự hỗ trợ của các bạn. Tất cả chúng tôi ở Mỹ sẽ được hưởng lợi khi nhu cầu thị trường và sản lượng bán ra tăng cao.”

11h05, GMT, 26/7/2023

Thách thức về chứng chỉ – cần một công cụ khác cho trại tôm nhỏ

Ông Cormac O’Sullivan, đại diện chương trình Giám sản hải sản (Seafood Watch) của Montery Bay Aquarium ở Mỹ trình bày chương trình hệ thống tiêu chuẩn thay thế được xây dựng cho các trại nuôi tôm quy mô nhỏ không đủ tiêu chuẩn cấp chứng nhận.

“Chỉ dẫn kỹ thuật UN quy định cụ thể rằng chứng chỉ không nên trở thành rào cản cho các trại tôm quy mô nhỏ, nhưng thật không may, điều đó đang tồn tại.”, ông O’Sullivan nói.

Vì lý do chi phí vốn và sự phức tạp của các chương trình cấp chứng chỉ, nhiều trại nuôi không tiếp cận được, không những thế, họ không đủ điều kiện tham gia chuỗi bán lẻ yêu cầu sản phẩm tôm có chứng nhận. Đây hẳn là vấn đề nan giải.

“Chúng tôi đã áp dụng tiêu chuẩn chứng nhận gần 25 năm và số phần trăm được cấp chứng nhận vẫn dưới 10%. Do vậy, chúng tôi cần một công cụ khác”, ông O’Sullivan cho biết.

“Với Nền tảng Xác nhận Cải tiến của Monterey Bay, chúng tôi đã làm việc với các công ty để lên kế hoạch cho giai đoạn tiếp cận ban đầu, trước khi xác nhận đáp ứng các tiêu chuẩn của chương trình Giám sát hải sản.

Chương trình đã kiểm tra và xác nhận 2.049 trang trại tôm với Tập đoàn Minh Phú (Việt Nam) và đang tiếp tục làm việc với các trại tôm quy mô nhỏ ở Ấn Độ và Indonesia.

Chương trình Giám sát hải sản đặt code QR vào sản phẩm đóng gói để liên kết người mua tới một trang báo cáo. Các thành viên của chuỗi cung ứng đã ủng hộ chương trình bằng cách quyên góp tiền vào quỹ phát triển cộng đồng hỗ trợ tài chính cho các dự án ở địa phương. Theo đó, 3 hội viên đã đầu tư xây dựng một cây cầu ở tỉnh Cà Mau (Việt Nam).

10h01, GMT, 26/7/2023

“Ác mộng” từ quy định của Indonesia

Theo ông Sander Visch, chuyên gia đầu ngành phân tích tôm của Kontali, các nhà xuất khẩu đang đau đầu khi Indonesia sẽ áp dụng quy định PP36 từ ngày 1/8. Theo đó, các nhà xuất khẩu phải đặt cọc một khoản tiền bằng 30% tổng giá trị hàng xuất khẩu, số tiền này sẽ được nộp vào quỹ tiền gửi quốc gia đặc biệt.

“Chẳng phải đây là mục đích nhằm giữ tiền trong quốc khố để tài chính vững mạnh hay sao! Nhưng nhà chế biến và nhập khẩu sẽ chịu tác động khá lớn, nghĩa là sẽ rất khó để họ mua tôm ở mức giá cao nhất”, ông Visch giải thích.

Hiện nay giá tôm trung bình tại ao ở Indonesia là 4,54 USD/kg (loại 60 con/kg), giảm so với cùng kỳ năm ngoái (3,69 USD/kg). Mức giảm này sẽ còn tiếp diễn. Hiện tại ở Indonesia, giá tôm loại 40 con/kg và 60 con/kg hầu như không có sự chênh lệch. Do đó, người nuôi tôm đang tập trung nuôi loại 40 con/kg (lâu nay họ cũng vẫn tập trung cỡ tôm này nhiều nhất); nhưng tất nhiên chi phí sản xuất cũng đang tăng mà người nuôi chưa có nguồn tiền nào để bù đắp.

Tổng sản lượng tôm của Indonesia tính đến thời điểm này đã giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, nhiều người nuôi đang do dự, chờ giá tăng mới tiếp tục thả giống. Đây hiện là tình trạng chung của nhiều quốc gia ở châu Á.

9h44, GMT, 26/7/2023

Đề xuất lệnh cấm EHP trên tôm tươi và tôm đông lạnh

Tổ chức Y tế Thế giới (OIE) cho biết sẽ liệt kê bệnh EHP trên tôm tươi và tôm đông lạnh vào lệnh cấm nhập khẩu, điều này đang dấy lên sự phản đối từ nhà xuất khẩu bởi họ đang hết sức lo ngại về rào cản thương mại trong tương lai.

Ông Sandro Coglitore, Giám đốc điều hành của Omarsa, một trong những nhà xuất khẩu tôm lớn của Ecuador nhấn mạnh việc áp dụng lệnh cấm EHP đối với tôm tươi và tôm đông lạnh là hết sức vô lý.

“Với kinh nghiệm làm việc 30 năm của tôi, chưa khi nào tôi đi siêu thị, mua một con tôm đông lạnh về thả vào ao mà thấy nó gây ra dịch bệnh đốm trắng”, ông Coglitore nói, “Nhưng người ta lại đang muốn sử dụng EHP làm hàng rào thương mại để hạn chế nhập khẩu vào một số quốc gia. Tại sao cộng đồng khoa học lại ủng hộ lệnh cấm đối với sản phẩm đông lạnh?”

Ông Luis Fernando Aranguren Caro, nhà sinh học biển tại trường Đại học Arizone, cho rằng OIE không có lựa chọn nào khác ngoài liệt kê EHP vào Bộ luật Sức khỏe Động vật Thủy sản.

“Có 4 tiêu chí để bị đưa vào lệnh cấm thì EHP có đủ cả 4 tiêu chí này. Nhưng đến thời điểm này EHP vẫn chưa chính thức được liệt vào danh sách cấm bởi OIE đang có quá nhiều nhiệm vụ cần phải làm. Tuy vậy, họ cần hành động nhanh hơn. Vậy, nếu EHP không bị liệt kê vào danh sách cấm, một số quốc gia muốn nhập khẩu tôm giống tươi thì phải tuân thủ quy định của OIE. Và nếu mầm bệnh này không được liệt vào danh sách cấm, thì OIE không chịu trách nhiệm mầm bệnh dương tính hay âm tính với EHP.”

Ông Lộc Trần, Giám đốc Phòng chẩn đoán và xét nghiệm bệnh thủy sản (ShrimpVet Laboratory) ủng hộ quan điểm của ông Cogliatore đối với tôm đông lạnh, tuy nhiên cũng nói thêm: “Chúng tôi đã tiến hành hàng trăm thí nghiệm với tôm đông lạnh bị nhiễm EHP và chúng tôi cũng không phát hiện được mầm bệnh này. Bằng chứng xác thực cho thấy EHP không thể sống sót khi bị đông lạnh. Do đó, tôi nghĩ, nếu chúng ta muốn đưa EHP vào danh sách cấm, chúng ta cần quy định rõ không cấm EHP trong sản phẩm đông lạnh”.

Ông Lộc Trần bày tỏ sự ngạc nhiên bởi theo báo cáo, EHP đã được OIE đưa ra thảo luận trước cả đại dịch Covid-19, nhưng đến giờ vẫn không có tiến triển nào. “Hiện nay nguyên liệu tươi nhập khẩu vẫn chưa được kiểm tra EHP, tôi nghĩ đó mới là vấn đề đáng quan tâm.”

8:22, GMT, 26/7/2023

Mỹ: lợi nhuận của các nhà bán lẻ tôm dao động 40%

Ông Richard Barry, Giám đốc các chương trình thuộc Viện Nghề cá Quốc gia Mỹ cho biết, trong một năm qua các nhà nhập khẩu cảm thấy khá “ấm ức” khi giá bán sỉ mặt hàng tôm tại Mỹ rớt thảm hại, nhưng giá tôm bán lẻ vẫn mang lại lợi nhuận.

“Giá bán sỉ giảm xuống mức 4 USD, lợi nhuận các nhà bán lẻ được hưởng là 40%. Tình huống này khiến các nhà xuất khẩu thực sự nản lòng, khi nhu cầu tôm ở Mỹ đang rất thấp bởi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu cho các sản phẩm protein đắt đỏ.”

Ông Barry đưa ra một vài lý do giải thích tại sao nhà bán lẻ vẫn chần chừ chưa hạ giá bán: “Họ đang giải phóng hàng tồn kho với mức giá cao bởi số hàng này được mua vào trong thời gian khủng hoảng chuỗi cung ứng, khi ấy chi phí vận chuyển là một con số khổng lồ. Ngoài ra, tôm tồn kho được bán ra hiện nay là tôm cỡ nhỏ. Các nhà bán lẻ lại đang nhập tôm cỡ lớn hơn; vậy họ cần duy trì khoảng trống giá cần thiết. Hơn nữa, lợi nhuận từ tôm có thể phần nào bù đắp cho tổn thất từ các loài thủy sản khác.”

14h13, GMT, 25/7/2023

Sức tăng của Ecuador sẽ giảm

Theo ông Sandro Coglitore, Giám đốc điều hành của Omarsa, một trong những nhà xuất khẩu tôm lớn của Ecuador, sức tăng của sản lượng tôm thẻ chân trắng sẽ chậm lại vào nửa cuối năm 2023 do ngành tôm đang phải đối mặt với “thực tiễn thị trường.”

“Chúng tôi phải điều chỉnh theo thực tế của giá bán và sẽ mất một khoảng thời gian để phục hồi, cho tới khi người tiêu dùng có nhiều tiền hơn. Đồng thời chúng tôi phải điều chỉnh theo nhu cầu của thế giới.”

Ngoài ra ông Coglitore nhất trí rằng tiêu dùng tôm toàn cầu sẽ tăng nếu như Ecuador cùng các nhà sản xuất tôm thúc đẩy xuất khẩu mạnh hơn nữa.

“Nếu có thể, chúng ta sẽ thiết lập một chiến dịch toàn cầu với sự tham gia của tất cả các quốc gia sản xuất tôm, và đặt mục tiêu tới năm 2024 tiêu dùng tôm trên đầu người tăng ít nhất 0,5 pound (0,22 kg) – như vậy mỗi năm chúng ta có thêm “hạn ngạch” 400 triệu pound (181,4 triệu kg) tôm để sản xuất. Do đó, mỗi quốc gia sẽ có thêm mục tiêu tăng trưởng và bán tôm với giá tốt.”

14h00, GMT, 25/7/2023

Ấn Độ, Ecuador tăng trưởng xuất khẩu

Tại Ecuador, tính đến thời điểm này trong năm, sản lượng xuất khẩu tôm của Ecuador tăng 14% (tương đương 51.000 tấn) so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, theo ông Sander Visch, chuyên gia đầu ngành phân tích tôm của Kontali, giá tại ao đã hụt một khoản tiền khổng lồ. Với mỗi kg tôm loại 40-50 con/kg, giá đã giảm từ 4,1 USD/kg (thời điểm tháng 4/2022) xuống chỉ còn 2,8 USD/kg (giá hiện nay). Sản lượng xuất khẩu chủ yếu đổ về thị trường Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm.

Tại Ấn Độ, điều đáng ngạc nhiên là 5 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu tăng lên 1,9% so với cùng kỳ năm ngoái, có nguồn tin cho rằng sản lượng này chủ yếu được giải phóng từ hàng tồn kho 2022. Điều thú vị hơn là tính đến nay, Nga là thị trường có sức tăng trưởng lớn nhất của tôm Ấn độ (về phần trăm).

Ngược lại, xuất khẩu tôm của thị trường châu Á giảm đáng kể. Sản lượng xuất khẩu tôm của Việt Nam giảm 32%, Indonesia giảm 13%, Thái Lan giảm 9,4%. Đáng chú ý, quốc gia nào cũng ghi nhận mức sụt giảm khá mạnh ở thị trường Mỹ và giá trung bình tại ao khá thấp, chỉ ở mức 1 USD/kg.

13h48, GMT, 25/7/2023

Ecuador: Ít thất bại, giá tôm thấp

Ông Sandro Coglitore, Giám đốc điều hành của Omarsa, một trong những nhà xuất khẩu tôm lớn của Ecuador, nhấn mạnh tầm quan trọng của tỷ lệ tử vong thấp tương đối đã giúp Ecuador sản xuất tôm với mức chi phí thấp hơn so với các đối thủ châu Á.

Ông nói: “Về cơ bản, người nuôi tôm Ecuador sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm nếu lợi nhuận thấp. Chúng tôi có thể sản xuất được nhiều tôm hơn nữa trên cùng một diện tích ao nuôi mà chúng tôi đã sử dụng suốt 50 năm qua. Do đó tỷ lệ mở rộng vùng nuôi là khá nhỏ khi so sánh với tổng sản lượng đạt được. Hiện Ecuador còn tới 230.000 ha đất nông nghiệp chưa dùng tới.”

Tuy nhiên, ông Robin McIntosh, Phó Chủ tịch điều hành của Charoen Pokphand Foods, đưa ra cảnh báo tình hình có thể thay đổi nếu Ecuador tiếp tục tăng sản lượng như vậy. Ông nói: “Ecuador đang sử dụng công nghệ để nâng cao sản lượng. Trung bình họ nuôi 25 cá thể trên/m2. Nhưng công nghệ đã giúp họ tiến tới 30, thậm chí họ đã thử nghiệm tới 50 – 60 cá thể. Bây giờ họ đã chạm ngưỡng rồi, gần đạt điểm tới hạn rồi. Và nếu họ tiếp tục làm như vậy, chắc chắn việc gia tăng mầm bệnh là điều không thể tránh khỏi. Nếu họ có thể đặt ra nguyên tắc với mức 30 cá thể/m2, họ sẽ đạt được sự bền vững mãi mãi. Nhưng nếu nguyên tắc bị phá vỡ thì không khác gì bước qua vực thẳm.

13h23, GMT, 25/7/2023

Ông McIntosh: “Nuôi tôm cần quay về nguyên tắc căn bản”

Ông Robin McIntosh, Phó Chủ tịch điều hành của Charoen Pokphand Foods, nhấn mạnh ngành tôm châu Á cần tập trung vào những nguyên tắc nuôi tôm căn bản trong thời kỳ khủng hoảng giá như hiện nay.

Ông nói: “Vấn đề của chúng ta hiện nay là tại sao dù áp dụng công nghệ cao nhưng ngành tôm vẫn không có lợi nhuận. Công nghệ tiên tiến đã giúp nâng cao năng suất, nhưng bên cạnh đó chi phí nuôi tôm lại trở nên cao hơn mức giá tôm bán ra trên thị trường. Đây là phương trình mà chúng ta cần hoán đổi”.

Bất kỳ giải pháp nào cũng có nhược điểm. Tôm càng kháng bệnh tốt, nguồn cung càng vượt quá nhu cầu; càng sử dụng nhiều thực phẩm chức năng thì chi phí sản xuất càng tăng, việc xác định nguồn gen vượt trội cũng khó khăn hơn, các hệ thống nuôi tiên tiến đòi hỏi vốn đầu tư đôi khi không cần thiết.

“Do vậy, tôi nghĩ, thay vì những ưu điểm ở trên, chúng ta nên quay trở về với nền tảng cơ bản, xem xét các vấn đề từ sức chứa, đến quản lý thức ăn, ao nuôi, an toàn sinh học của hệ thống và sức khỏe con giống. Đặc biệt là sức chứa đang như bong bóng sắp bị vỡ rồi.”

“Một điều chúng ta cần lưu ý trong lịch sử nuôi tôm là khi một trại nuôi đặt tại một vùng đất đạt được thành công, mọi người sẽ đổ xô đến vùng đất đó, và chẳng mấy chốc vùng đất bị quá tải và chúng ta mất sự kiểm soát môi trường. Đó là vấn đề hết sức nan giải mà chúng ta cần chung tay giải quyết.” 

Ông McIntosh lưu ý, sức khỏe của tôm không nhất thiết phải là sạch bệnh, mà quan trọng là chúng ta cần tập trung giảm căng thẳng cho tôm hơn là tập trung diệt trừ tận gốc các mầm bệnh tự nhiên. Theo đó, ông nhấn mạnh không nên để ao nuôi bị quá tải.

9h05, GMT, 25/7/2023 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Việt Nam duy trì mục tiêu đạt 1,15 triệu tấn tôm nuôi tới 2025

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định Việt Nam vẫn duy trì mục tiêu sản xuất 1,15 triệu tấn tôm/năm từ nay đến năm 2025. Đây là con số được đặt ra trong “Kế hoạch Hành động Quốc gia” cho sự phát triển của ngành tôm. 

Tháng 8/2022, Chính phủ Việt Nam ban hành “Chương trình Quốc gia Phát triển Nuôi trồng thủy sản giai đoạn 2021 – 2030”. Các hướng dẫn cụ thể khác đã lần lượt được ban hành trong suốt 2 năm qua với mục đích phát triển ngành chế biến và tăng cường bảo vệ môi trường trong các dự án nghề cá.

Mặc dù vấp phải nhiều khó khăn thử thách từ hệ lụy của đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế trong thời gian gần đây, Việt Nam vẫn đặt quyết tâm cao để hoàn thành mục tiêu. Theo đó, diện tích nuôi tôm sẽ tăng lên 750.000 ha, trong đó diện tích ở ĐBSCL chiếm 90%.

Năm 2022, xuất khẩu tôm Việt Nam đạt kỷ lục với tổng giá trị 4,3 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2021. Tổng sản lượng tôm nuôi năm 2022 đạt 1,03 triệu tấn. Diện tích nuôi tôm hiện tại trên cả nước đạt 747.000 ha.

8h41 GMT, 25/7/2023

Tham quan trại tôm siêu thâm canh của Minh Phú

Ngày đầu tiên của Hội nghị, các đại biểu đã tham quan trang trại nuôi tôm siêu thâm canh do Tập đoàn Minh Phú xây dựng ở Lộc An vào năm 2020.

Trang trại có tổng diện tích 300 ha, bao gồm 834 ao nuôi, nước nuôi từ biển được cấp vào qua đường ống dẫn dài 4.500m. Minh Phú cho biết trong 2 năm đầu tiên hoạt động, trại tôm đã đạt được thành công với tỷ lệ sống 80%, sản lượng hằng năm đạt 153 tấn/ha.