Trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm Nhịp cầu Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp năm 2019, với chủ đề “Sản phẩm OCOP – Phát huy giá trị bản địa”, sáng ngày 21/12, Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức Hội thảo “Nâng cao giá trị phụ phẩm trong chuỗi nông sản”.

Đây là lần đầu tiên Đồng Tháp tổ chức hội thảo với chủ đề này – ông Phạm Thiện Nghĩa – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cho biết; đồng thời nhấn mạnh rằng, xu hướng hiện nay ở các nước trên thế giới đang tập trung phát triển những phụ phẩm trong nông nghiệp để trở thành những sản phẩm chính, làm gia tăng giá trị sản phẩm và nâng cao thu nhập. Việc đẩy mạnh chế biến phụ phẩm không chỉ tạo ra giá trị gia tăng mà giá trị cốt lõi còn nhằm bảo vệ môi trường.

Ông Phạm Thiện Nghĩa phát biểu tại Hội thảo. Hội thảo còn được kết nối trực tuyến đến điểm cầu cấp huyện.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, một số  doanh nghiệp chế biến thủy sản đông lạnh như Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn Collagen, Công ty IDI, Công ty Hùng Cá, Cỏ May Group và gần đây là một số doanh nghiệp khởi nghiệp: Tinh dầu Hương Đồng Tháp, Ngọc Phụng, Quang Hiển v.v. đã thành công trong việc phát triển các sản phẩm từ phụ phẩm thủy sản và nông sản tạo ra giá trị gia tăng cao. Điển hình như từ con cá tra, không chỉ có phile mà còn có dầu cá, collagen, genlatin, da cá sấy, bong bóng cá v.v. rất được thị trường ưa chuộng.

Và sản xuất lúa, không chỉ thu được giá trị từ hạt gạo, sau hạt gạo là hàng loạt các sản phẩm giá trị gia tăng khác như: bột, dầu từ cám gạo, trấu viên để xuất khẩu, rơm để trồng nấm. Hay như từ vỏ bưởi, vỏ quýt, lá sả có thể chiết xuất tinh dầu v.v..

Tập trung khai thác tốt tiềm năng phụ phẩm nông nghiệp của tỉnh nhà, tạo thêm giá trị gia tăng cho ngành nông nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương là định hướng mà tỉnh Đồng Tháp đang hướng đến – ông Phạm Thiện Nghĩa cho hay.

Chia sẻ về việc tận dụng phụ phẩm chế biến thủy, hải sản tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng, Tiến sĩ Võ Đình Lệ Tâm – Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất nên sản xuất bột xương cá để bổ sung vào sản phẩm thực phẩm, làm tăng hàm lượng calcium, cải thiện tính chất sản phẩm. Phần thịt vụn, đầu, da, vây, đuôi, nội tạng cá sẽ sản xuất dịch thủy phân protein/peptide, loại chất kháng oxy hóa, chất mang khoáng, chất kháng vi sinh vật tự nhiên dùng trong thực phẩm, dược phẩm. Đối với da, vảy sẽ sản xuất collagen, gelatin trong thực phẩm và mỹ phẩm.

 

Phụ phẩm, phế phẩm hay phần còn lại của nông nghiệp?

Giá trị mang lại từ việc chế biến phụ phẩm nông nghiệp đã được khẳng định. Tuy nhiên, vấn đề không kém phần quan trọng và được quan tâm hiện nay là cách gọi “phụ phẩm”, “phế phẩm” hay “phần còn lại của sản phẩm nông nghiệp”. Gọi như thế nào cho đúng và không làm ảnh hưởng đến giá trị, đầu ra của sản phẩm.

Các diễn giả tham gia Tọa đàm – một nội dung trong Hội thảo: (từ trái sang) ông Lý Nguyễn Bình, ông Võ Phú Đức, ông Trương Lê Huy Hoàng, bà Đoàn Ngọc Minh Thùy, ông Nguyễn Phước Thiện.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lý Nguyễn Bình – Trường Đại học Cần Thơ, bản thân “phụ phẩm” và “phế phẩm” là 2 thực thể khác nhau và không nên đồng nhất. Đối với ngành lúa gạo thì rơm, trấu chính là phụ phẩm.

Ông Võ Phú Đức – Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn Collagen cho rằng, nên xem nó là phần còn lại của sản phẩm nông nghiệp, không nên quá quan trọng ở tên gọi mà quan trọng là góc nhìn, có công nghệ để chế biến, gia tăng giá trị của nó.

Tuy nhiên cũng không thể xem nhẹ việc ảnh hưởng từ tên gọi của nó. Theo Đoàn Ngọc Minh Thùy – Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tinh dầu Hương Đồng Tháp, đơn vị sử dụng vỏ bưởi, vỏ quýt, lá sả v.v. để chiết xuất tinh dầu cho rằng, cách gọi là phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp phần nào gây khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm, tạo sự băn khoăn cho khách hàng về chất lượng, nguyên liệu khi sản phẩm có nguồn gốc từ cái được gọi là phụ phẩm, phế phẩm.

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp còn rất nhiều dư địa để phát triển, nhất là các sản phẩm giá trị gia tăng, sản phẩm từ phần còn lại của nông nghiệp.

Theo ông Phạm Minh Thiện – Tổng Giám đốc Cỏ May Group, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Điển hình như trong ngành hàng bột, bã bột có giá trị không nhỏ, hay như da cá tra được chế biến thành sản phẩm da cá tra sấy, một mặt hàng từng được Cỏ May xuất sang Singapore. Cỏ May đã hỗ trợ cho Trương Lê Huy Hoàng – Công ty Cổ phần Ambroal phát triển sản phẩm snack từ da cá tra. Hiện nay, snack từ da cá tra đã trở thành sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp.

Bên cạnh cơ hội cho những sản phẩm giá trị gia tăng từ nông sản, đặc biệt là phụ phẩm nông nghiệp, vấn đề nguồn nguyên liệu để chế biến cần được quan tâm, tạo kết nối lâu dài giữa người tiêu thụ và sản xuất để ổn định nguyên liệu đầu vào.

Đa dạng các sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Tháp được chế biến từ phụ phẩm của nông nghiệp để trở thành sản phẩm chính của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất.

Ông Nguyễn Phước Thiện – Phó Giám đốc phụ trách điều hành Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, dù sản phẩm được sản xuất từ phần còn lại của nông nghiệp thì chất lượng nguyên liệu vẫn phải đảm bảo vệ độ an toàn. Trong thời gian tới, Ngành nông nghiệp sẽ phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong việc gắn kết, xây dựng vùng nguyên liệu.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lưu ý với bà con nông dân, trong sản xuất không chỉ nghĩ đến tiêu thụ đơn thuần một mặt hàng nông sản tươi mà cần có sự đang dạng, nhiều phân khúc khác nhau.

Nguyệt Ánh

Nguồn: Báo Đồng Tháp