Đến thời điểm hiện tại, đã có rất nhiều bài tham luận của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản gửi đến Ban tổ chức Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam 2016 (VietShrimp 2016). Đa phần những bài viết đều tập trung đến giải pháp về công nghệ, thiết bị, kỹ thuật… nhằm nâng cao hiệu quả trong nuôi tôm, góp phần phát triển bền vững ngành tôm Việt Nam.
Sử dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm
Mô hình được thực hiện bởi ông Bùi Ngọc Liêm, Chủ tịch Hội Nghề cá TP Móng Cái (Quảng Ninh). Với mô hình nuôi này, cơ sở hạ tầng yêu cầu: diện tích ao nuôi 1.000 – 3.000 m2; đáy, bờ bọc bạt hoặc láng bê tông, cống và xi phông đáy chuẩn; phải có ao xử lý nước cấp nuôi, xử lý nước thải; kênh cấp nước mặn, nước ngọt và kênh thải; cơ sở nuôi dùng điện lưới bắt buộc phải có máy phát tương ứng dự phòng; thiết bị quạt, sục khí phải đủ; giao thông (bờ đầm) thuận lợi cho xe kéo, ô tô di chuyển; kho đựng thức ăn, chế phẩm phải đúng quy cách; Văn phòng (phòng) tổng hợp, ghi nhật ký, vào sổ vật tư… (phụ thuộc diện tích vùng nuôi). Đối với kỹ thuật, cơ sở lớn sử dụng kỹ thuật riêng, các hộ nhỏ lẻ có thể kết hợp chung, nhưng mỗi kỹ thuật chỉ đảm trách 5 – 6 ha nuôi. Con giống phải được lấy từ những cơ sở đủ điều kiện trang thiết bị và kiểm định đúng, uy tín…
Lựa chọn thức ăn công nghiệp hiệu quả
Có ba loại thức ăn chính cho tôm là thức ăn tự nhiên (các động vật thủy sinh sống trong nước và đáy ao có giá trị dinh dưỡng cao); thức ăn tự chế biến (do người nuôi tự chế biến tại chỗ cho tôm ăn); và thức ăn công nghiệp hay thức ăn viên (sử dụng tiện lợi, dễ lưu trữ và giá trị dinh dưỡng ổn định). Đối với thức ăn công nghiệp, để đảm bảo vụ nuôi an toàn và thành công cần phải lựa chọn thức ăn có nguồn gốc, nhãn hiệu, có hướng dẫn sử dụng; thức ăn phải đều cỡ, ít hoặc không có bụi, bề mặt viên thức ăn nhẵn bóng, khô ráo không vón cục hay bị nấm mốc; thức ăn phải có mùi thơm hấp dẫn tính bắt mồi của tôm, không có mùi ôi hay mùi nấm mốc; và quan trọng là thức ăn phải chìm nhanh, viên thức ăn bền trong nước trong khoảng 2 – 3 giờ.
Đích ngắm cuối là nâng cao hiệu quả trong nuôi tôm – Ảnh: Diệu Lữ
Kỹ thuật ương vèo siêu thâm canh (Raceway)
Kỹ thuật Raceway xuất phát từ các quốc gia Nam Mỹ (Mexico, Ecuador, Honduras, Mỹ, Guatemala…), phát triển mạnh từ năm 2008 khi dịch bệnh EMS bùng phát mạnh tại các quốc gia này. Mục tiêu quan trọng của Raceway là giảm thiểu rủi ro do chết sớm trong tháng nuôi đầu; rút ngắn thời gian nuôi; và tối đa hóa lợi nhuận trên cùng diện tích đất. Raceway yêu cầu ở vị trí thuận tiện cho việc sang tôm đến các ao sau khi ương. Gần các ao lắng và cấp nước (phải có ao lắng). Yêu cầu kết cấu ao ương phải lót bạt 100%, hoặc bể cement, hoặc bể ương chuyên dùng. Yêu cầu hệ thống phải đặt trong nhà để đảm bảo an toàn sinh học và ổn định nhiệt độ 28 – 320C; hệ thống khí; hệ thống tạo dòng chảy. Đối với thức ăn, yêu cầu phải sử dụng thức ăn chuyên dùng cho ương mật độ cao được nhập khẩu từ Mỹ, đạm hấp thu 100%, giảm thiểu ô nhiễm hữu cơ cho môi trường ương.
Cải thiện sức khỏe tôm nuôi qua dinh dưỡng
Cùng với giống và môi trường thì dinh dưỡng cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng góp phần cải thiện năng suất và lợi nhuận trong nuôi tôm. Luôn luôn cần phải ghi nhớ rằng, nâng cao sức khỏe tôm nuôi là giải pháp khả thi và mang lại lợi ích kinh tế cho người nuôi. Không chỉ cung cấp đủ số lượng, mà còn phải quan tâm chất lượng của nguồn cung cấp dinh dưỡng cho tôm… Ngoài ra, tôm còn cần thêm dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe chống lại stress và tác nhân gây bệnh từ môi trường. Cần quan tâm đến độ hữu dụng của các nguyên liệu và quan hệ tương tác của các thành phần dinh dưỡng trong khẩu phẩn, để đáp ứng tốt nhu cầu dinh dưỡng cho tôm nuôi. Ngoài thành phần dinh dưỡng thiết yếu, một số chất phụ gia (như tinh dầu, axít hữu cơ, chất bổ trợ gan tụy…), cũng góp phần nâng cao sức khỏe đường tiêu hóa cho tôm. Sức khỏe đường tiêu hóa (bao gồm gan tụy) là chìa khóa quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe, phòng ngừa bệnh, nâng cao năng suất tôm nuôi và cuối cùng là nâng cao chất lượng tôm, giảm giá thành sản xuất.
Xét nghiệm bệnh chỉ trong 58 phút
Đến với VietShrimp 2016, Vinhthinh Biostadt sẽ đưa xe xét nghiệm (xe lab) đến Hội chợ Triển lãm để phục vụ cho người nuôi tôm. Xe lab ngoài việc kiểm tra các chỉ tiêu môi trường ao tôm, còn giúp kiểm tra các chỉ tiêu bệnh gan tụy cấp (EMS), bệnh chậm lớn ở tôm (EHP) hay bệnh đốm trắng (WSSV) bằng trang thiết bị và phương pháp hiện đại, có kết quả nhanh chỉ trong vòng 58 phút… Kết hợp với kết quả xét nghiệm là sự tư vấn của đội ngũ nhân viên kỹ thuật chuyên nghiệp nhằm giúp bà con có giải pháp cụ thể giải quyết sự cố môi trường ao hay sức khỏe tôm nuôi kịp thời và hiệu quả cao nhất.
>> Ban tổ chức VietShrimp 2016 sẽ phối hợp với Hội Thủy sản một số tỉnh ở ĐBSCL như: Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh… hỗ trợ phương tiện đi lại, đưa đón bà con hoàn toàn miễn phí để tham gia Hội chợ Triển lãm, từ đó được tiếp cận nhiều hơn với các mô hình tiên tiến, thiết bị hiện đại và các sản phẩm chất lượng cao. |
Để lại một bình luận