Nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín Ảnh: PTC

Từ sản xuất

Thống kê của Tổng cục Thủy sản, năm 2017, tổng diện tích thả nuôi tôm nước lợ đạt 720.000 ha; trong đó, tôm sú là  621.000 ha (bằng 103,7% so cùng kỳ năm 2016), tôm thẻ chân trắng là 99.000 ha (bằng 106%). Sản lượng tôm nuôi nước lợ đạt 689.000 tấn (bằng 104,8% so cùng kỳ); trong đó, sản lượng tôm sú là 258.500 tấn (bằng 99,2%), tôm thẻ chân trắng là 430.500 tấn (bằng 108,6%). Tuy nhiên, thực tế tình hình nuôi tôm cũng còn nhiều khó khăn khi hiện đa phần người dân vẫn là sản xuất nhỏ lẻ, chưa tham gia vào các chuỗi giá trị để tăng quy mô sản xuất hàng hóa, chất lượng sản phẩm, giảm giá thành đầu vào. Trong khi, các doanh nghiệp chế biến tôm xuất khẩu lại luôn trong tình trạng không chạy đủ công suất thiết kế, phải đi thu mua gom của bà con rất tốn thời gian, công sức, chi phí, ngược lại phía người nuôi tôm cũng phải chịu thiệt thòi do hao hụt trong quá trình thương lái cân đong.

Mâu thuẫn này đã được nhìn nhận từ lâu đó chính là từ khâu liên kết sản xuất đến chất lượng vật tư đầu vào nhất là với lĩnh vực con giống, nhưng giải pháp tháo gỡ thế nào cho hiệu quả.

Về con giống, theo nhận định của Tổng cục Thủy sản, hiện nay nước ta vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, gia hóa, chưa thể chủ động cung ứng giống. Mỗi năm nước ta vẫn đang phải nhập khẩu 180.000 – 260.000 con tôm thẻ chân trắng bố mẹ (khoảng 90% phải nhập ngoại). Trong khi, tôm sú bố mẹ chủ yếu vẫn phải thu gom từ tự nhiên. Hiện, nước ta chỉ có giống tôm sạch bệnh phục vụ nuôi công nghiệp, chưa có con giống kháng bệnh phục vụ cho nuôi quảng canh. Bên cạnh đó, người nuôi vẫn còn thiếu thông tin về vấn đề chất lượng giống khi cho rằng giống nào cũng là giống và cách chọn giống an toàn lại là chọn con giống giá rẻ, không rõ nguồn gốc. Hay theo chia sẻ của đại diện một doanh nghiệp thủy sản tại ĐBSCL, việc kiểm soát chất lượng giống thuộc trách nhiệm của quản lý nhà nước; các cơ quan hữu trách cần phải thiết lập được một hệ thống chuẩn mực: như thế nào là giống tốt, như thế nào là trại giống đạt chuẩn, làm thế nào kiểm soát giống trên thị trường để đảm bảo con giống đến tay người nuôi đạt chất lượng.

Bên cạnh đó, vấn đề liên kết trong sản xuất cũng là trở ngại hiện nay trong sản xuất thủy sản nói chung trong đó có con tôm. Bởi, làm sao để hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia chuỗi sản xuất đang là bài toán chưa có lời giải thỏa đáng. Mặc dù, đã hình thành được những hình thức liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ sản xuất để thành lập những vùng nuôi tôm an toàn, sạch bệnh có thể chủ động và đáp ứng được nguyên liệu cho chế biến, xuất khẩu nhưng số lượng không nhiều.

Theo nhận định của Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám tại Hội nghị Phát triển ngành tôm năm 2018 ở Kiên Giang mới đây, câu chuyện của nuôi tôm không phải là mở rộng thêm diện tích mà phải nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi trồng. Có như vậy mới tạo điều kiện cho phát triển bền vững và đạt được mục tiêu đề ra của Chính phủ.

Đến công nghệ

Các đại biểu tham quan gian hàng tại VietShrimp 2016 ở Bạc Liêu Ảnh: Trần Út

Muốn nâng cao được năng suất nuôi tôm, giải pháp được đưa ra chính là khoa học công nghệ; đây cũng là lĩnh vực được các bộ, ngành chú trọng phát triển. Sự kiện đánh dấu việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm chính là việc tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức lễ khởi công khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu với sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hướng tới mục tiêu làm hạt nhân tác động, dẫn dắt và nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh, vùng bán đảo Cà Mau, ĐBSCL và cả nước. Đồng thời, là nòng cốt, động lực để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước.

Từ điển hình tại Bạc Liêu có thể nhìn rộng ra toàn ngành tôm, hiện, tại nhiều vùng nuôi tôm trọng điểm, ứng dụng công nghệ trong nuôi tôm đang ngày một khẳng định được thế mạnh và hiệu quả. Theo chia sẻ của các nhà chuyên môn, công nghệ nuôi tôm không ngừng được cải tiến, hoàn thện, bên cạnh những công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh mật độ cao, một số công nghệ mới dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên hoặc sử dụng hoàn toàn thức ăn có nguồn gốc từ thực vật đang được ứng dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới. Một trong số đó phải kể đến là công nghệ nuôi tôm mới sử dụng hoàn toàn thức ăn tự nhiên (Copefloc); nuôi tôm theo quy trình 3 pha trong ao; nuôi tôm raceway siêu thâm canh nhiều tầng; công nghệ semi-biofloc trong nuôi tôm thâm canh; công nghệ biofloc trong nuôi tôm thâm canh; công nghệ ương nuôi tôm siêu thâm canh trong hệ thống nước chảy (raceway); công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính…

Tuy nhiên, để ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm cần vốn đầu tư lớn nên không phải hộ nuôi nào cũng có thể thực hiện được. Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, một trong những hướng giải quyết vốn để lan rộng mô hình nuôi tôm công nghệ cao có thể bắt đầu từ doanh nghiệp. Nghĩa là các doanh nghiệp chế biến tôm sẽ đứng ra vay vốn ngân hàng rồi hỗ trợ trực tiếp cho người nuôi tôm và bao tiêu sản phẩm của họ. Mà giải quyết bài toán này lại liên quan đến vấn đề thực hiện tốt chuỗi liên kết, khi các doanh nghiệp bắt tay với người nuôi cùng phát triển và hài hòa lợi ích, gia tăng tỷ lệ thành công trong nuôi tôm.

Ngành tôm đang dần chuyển mình để thích ứng với tình hình mới vượt qua những thách thức nội tại và tận dụng những tiềm năng sẵn có để có thể hội nhập sâu rộng, mở rộng thị phần trên trường quốc tế. Đây cũng là những nội dung chính sẽ được thảo luận tại các phiên hội thảo của VietShrimp 2018 sẽ được tổ chức trong 3 ngày (27 – 29/4) tại Bạc Liêu; tập trung bàn giải pháp để đổi mới ngành tôm, tổ chức liên kết sản xuất tôm thích ứng biến đổi khí hậu…

Vân Anh

>> Để chạm tới con số 10 tỷ USD, ngành tôm Việt Nam cần có nhiều thay đổi. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh, ĐBSCL sẽ là thủ phủ của ngành tôm. Tại đây, các hoạt động từ sản xuất tôm giống, nguồn thức ăn, nuôi trồng, ngành chế biến tôm sẽ được quy hoạch, liên kết tạo thành chuỗi khép kín. Mỗi hoạt động sẽ ứng dụng khoa học, công nghệ và tự động hóa để đạt tới chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế.