Do đánh giá quá cao nhu cầu tiêu thụ nội địa và lo xa tình trạng nguồn cung thế giới không ổn định, các hãng nhập khẩu TTCT tại Trung Quốc đã đưa về một khối lượng lớn hàng hóa dẫn đến tồn kho cao, đẩy thị trường tôm cận Tết rơi vào cảnh hỗn loạn.

Giá giảm

Từ đầu tháng 12/2019, giá TTCT nhập khẩu tại Trung Quốc đã bắt đầu giảm. Thay vì sôi động vào dịp cận Tết, thị trường tôm yên ắng bởi các công ty nhập khẩu địa phương cùng thương lái hành động thận trọng hơn. Hàng tồn kho dư thừa là nguyên nhân chính khiến giá TTCT sụt giảm; bởi, các công ty nhập khẩu đã mua quá nhiều TTCT hồi đầu năm do dự báo sai về lượng tiêu thụ nội địa cũng như lo ngại thiếu hụt nguồn cung tôm vào dịp cuối năm. Vài năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ TTCT nhập khẩu tăng vọt tại Trung Quốc, khiến hàng loạt công ty nhảy vào kinh doanh mặt hàng này để kiếm lời. Họ đã bắt đầu và mở rộng kinh doanh nhanh chóng khiến thị trường tôm ngày càng hỗn loạn hơn từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2019.

Trung Quốc đặt ra nhiều chính sách mới về nhập khẩu tôm – Ảnh: ST

Kiểm soát gắt gao

Các chính sách và quy định mới của Chính phủ Trung Quốc cũng thúc đẩy các doanh nghiệp mua nhiều tôm hơn và buộc các nhà cung cấp nước ngoài phải thực hiện nhiều giải pháp để chạy theo thị trường Trung Quốc. Ví dụ, Ecuador, nguồn cung tôm chính cho thị trường Trung Quốc đã phải trải qua hàng loạt sự thay đổi tại tại đây trong năm 2019; đầu tiên phải kể đến 4 nhà máy chế biến bị cấm xuất khẩu tôm sang Trung Quốc; tuy nhiên, Ecuador đã rất nhanh chóng thích nghi với luật mới của Trung Quốc và đưa xuất khẩu trở lại vào tháng 10/2019. Sau đó, lệnh cấm đã được gỡ bỏ vào tháng 11/2019. Tuy nhiên, không lâu sau đó mỗi một lô hàng TTCT được xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải tiến hành kiểm dịch từ ngày 9/12/2019. Do bị tăng cường kiểm dịch, chi phí trung bình cũng tăng thêm khoảng 2.000 USD/container khiến các nhà cung cấp tôm tại Ecuador buộc phải tăng giá bán.

Chính sách này cũng đã ảnh hướng đến nhiều khía cạnh thị trường khác, như khối lượng xuất khẩu, kích cỡ tôm và xuất khẩu sang các thị trường khác. Những dạng sản phẩm của công ty tôm được bán tại Trung Quốc thường gồm một hộp tôm chế biến trọng lượng 1,4 kg, trong khi sản phẩm bán tại Mỹ và châu Âu là 1,8 kg, theo Yang, chủ một hãng kinh doanh tôm tại Bắc Kinh. Điều này có nghĩa các sản phẩm bị Trung Quốc cắt giảm hầu hết đều không thể bán được tại các quốc gia và thị trường khác. Điều này khiến nông dân nuôi tôm và nhà máy chế biến tại Ecuador thất vọng và cũng làm cho xuất khẩu tôm giảm xuống. Những nhà máy này có thể đầu tư mạnh vào việc sắm sửa các thiết bị mới để giám sát dịch bệnh trên tôm, hoặc cũng có thể tập trung vào nghiên cứu một thị trường trước khi chế biến. Những sản phẩm và dạng sản phẩm không được chấp nhận tại Trung Quốc sẽ được chế biến lại theo các yêu cầu của thị trường châu Âu và Mỹ.

Các nhà máy tại Ecuador thường thanh toán 50% chi phí thu mua trong vòng 48 giờ sau khi tôm đến Trung Quốc và thanh toán 50% còn lại trong 10 đến 15 ngày tiếp theo. Với quy định kiểm dịch mới, người nuôi tôm sẽ phải chờ đợi lâu hơn mới được nhà máy chế biến thanh toán hết và có thể ảnh hưởng đến dòng chảy tiền mặt của hai bên. Điều này khiến tôm xuất khẩu sang Trung Quốc có thể đạt chất lượng cao hơn, nhưng giá sẽ đắt đỏ hơn.

Nhu cầu tiêu thụ không ổn định

Mặc dù phải đối mặt với các khó khăn trên, nhưng khó có khả năng Ecuador sẽ từ bỏ thị trường tiềm năng Trung Quốc vốn đang tiêu thụ tới 2/3 sản lượng tôm nuôi của Ecuador. Một vài nhà máy đã lựa chọn giải pháp tăng giá bán để khắc phục chi phí tăng nhưng giá tôm có thể sẽ giảm sớm.

Ấn Độ, một nguồn cung tôm tương đối lớn khác tại thị trường Trung Quốc cũng đang gặp phải nhiều vấn đề tại thị trường này. Năm 2018, xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Trung Quốc tăng vọt tới 267% lên 46.000 tấn. Từ đó tới nay, giá trị kim ngạch xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng tới 110.000 tấn, gấp 2,4 lần năm ngoái. Tuy nhiên, suốt thời gian tăng trưởng xuất khẩu vượt bậc, có đến 9 nhà máy thủy sản của Ấn Độ bị Trung Quốc cấm cửa đúng lúc Chính phủ Ấn Độ đang bận rộn với kế hoạch mở rộng ngành NTTS. Phía Trung Quốc chưa đưa ra lời giải thích chính thức liên quan đến lệnh cấm, nhưng có báo cáo cho rằng, do dịch bệnh tôm xuất hiện phổ biến tại Ấn Độ trong năm 2019 không làm giảm sản lượng nhưng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm là nguyên nhân dẫn đến lệnh cấm.

Vị thế của tôm Ấn Độ lung lay tại thị trường Trung Quốc còn do sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia khác như Việt Nam. Mặc dù xuất khẩu tôm nói chung của Việt Nam sụt giảm từ tháng 1 đến tháng 10/2019 so cùng kỳ năm 2018, nhưng xuất khẩu tôm sang Trung Quốc vẫn tăng. Đầu năm 2019, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc thực sự giảm do bị kiểm soát gắt gao tại vùng biên. Nhưng xuất khẩu đã tăng trở lại từ tháng 5 và càng gần Tết Nguyên đán, lượng tôm của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tăng cao hơn. Song, mức độ gia tăng hàng tôm nhập khẩu vẫn bị hạn chế bởi khối lượng tôm dự trữ trong kho còn tương đối lớn. Suốt thời gian 10 tháng đầu năm 2019, các nhà nhập khẩu tại Trung Quốc đã mua nhiều tôm hơn, trong khi đó một số hãng bán buôn bỏ qua thương lái trung gian để mua tôm trực tiếp từ nhà xuất khẩu nước ngoài. Để bán hết lượng hàng tồn này, Trung Quốc cần ít nhất 2 tháng nữa.

>> Hiện tại, nhiều nhà nhập khẩu của Trung Quốc đã dừng đặt hàng tôm Ecuador sau khi bị kiểm dịch mất rất nhiều thời gian; còn những lô TTCT đã chốt hợp đồng trước đó đang trên đường đến Trung Quốc trước Tết Nguyên đán nhưng rất có thể rơi vào cảnh ế ẩm sau dịp Tết.

Mi Lan (Tổng hợp)