Ngành tôm đã có những chuyển biến mạnh mẽ, đi lên ngang tầm cao thế giới. Thế nhưng, để đáp ứng được sự chuyển biến của thị trường, khách hàng toàn ngành cần phải làm rất nhiều việc.

Ngành tôm vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức

Xác định rào cản

Nhận định về thị trường tôm năm 2019, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, cho rằng, có cả thuận lợi lẫn thách thức nhưng thách thức là rất rõ ràng và đang ở cấp cao nhất so trước đây. Thách thức lớn nhất đó là sự chuyển biến mạnh mẽ của thị trường, khách hàng, khi các nước nhập khẩu dựng nhiều hơn các hàng rào kỹ thuật, kiểm tra chặt chẽ hơn, kể cả hậu kiểm trên kệ hàng. Chỉ riêng với các tổ chức chứng nhận quốc tế, như: BAP, ASC… ngày càng hoàn thiện hơn hệ thống kiểm soát của mình, gây bất ngờ, thụ động cho các nhà máy chế biến, vùng nuôi. Ông Lực dẫn chứng: “Trước đây, Tổ chức chứng nhận BAP kiểm tra nhà máy chế biến, chỉ cần chủ nhà tự kiểm tra chất lượng sản phẩm trong kho và báo cáo cho họ, thì nay họ tự vào kho và kiểm tra bất kỳ sản phẩm nào nên rủi ro vì thế cũng sẽ tăng cao. Các thị trường hiện nay cũng có sự liên thông nhanh, nên chỉ cần sản phẩm của doanh nghiệp sai sót ở một thị trường thì khách hàng, hệ thống kiểm soát các thị trường khác đều có hướng phản ứng tiêu cực đối với doanh nghiệp có sai sót đó”.

Đối với thị trường tôm lớn nhất là EU, các hệ thống phân phối lớn ở đây yêu cầu kiểm tra chất lượng tôm theo chuỗi giá trị. Trong đó, cơ sở cung ứng tôm giống và thức ăn phải đạt chuẩn tương đương như BAP, ISO… còn thị trường tôm lớn thứ hai là Nhật Bản hiện vẫn duy trì kiểm tra toàn bộ lô hàng tôm từ Việt Nam với nhiều tiêu chí dư lượng khắt khe. Đối với thị trường Mỹ, tuy có dễ tính hơn nhưng lại là nơi hội tụ tôm từ nhiều nguồn tôm rẻ trên thế giới, nhất là Ấn Độ và Indonesia khiến việc tiêu thụ tôm Việt Nam tại đây bị hạn chế do phải cạnh tranh về giá. Còn thị trường Canada công bố coi trọng hậu kiểm, họ kiểm hàng doanh nghiệp nào đó trên kệ trong siêu thị, nếu không đạt sẽ bị triệu hồi, trả về Việt Nam khiến rủi ro không còn ở từng lô hàng mà cho toàn bộ hàng đang tiêu thụ. Riêng 2 thị trường mới khá lớn là Hàn Quốc và Australia thì tập trung kiểm tra bệnh tôm, mà bệnh tôm khá phổ biến ở ĐBSCL nên cũng rất khó cho doanh nghiệp.

Ngoài những thách thức đã phân tích ở trên, theo ông Lực còn một trở ngại khác là sự cạnh tranh khốc liệt giữa tôm các nước và tác động mạnh mẽ, nhanh chóng của phương tiện truyền thông. Chỉ cần một sơ suất, dù không lớn nhưng với tác động của các phương tiện truyền thông từ phía đối thủ, ngay lập tức sẽ khiến việc tiêu thụ tôm Việt Nam gặp khó khăn.

Loại bỏ sơ suất

Theo các chuyên gia, để phát triển bền vững và giữ vị thế, ngành tôm phải nỗ lực đẩy nhanh hơn các chương trình hành động, mang tính đồng bộ, thiết thực và có tác dụng cụ thể, như: tuyên truyền, kiểm tra, ngăn chặn các chế phẩm không được sử dụng trong nuôi tôm, nhất là các kháng sinh cấm một cách quyết liệt, triệt để ngay từ bây giờ và duy trì dài hạn. Quy hoạch lại vùng nuôi và đầu tư cơ sở hạ tầng; bởi nuôi tự phát, nhỏ lẻ, không kiểm soát được thì không thể bán cho hệ thống lớn, chỉ bán cho khu vực chợ nhỏ, giá thấp.

Song song tổ chức lại sản xuất nuôi tôm quy mô trang trại, HTX đạt các tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường để sản phẩm có thể tiêu thụ ở các hệ thống lớn, giá tốt, tạo nền tảng đột phá cho chất lượng, uy tín, thương hiệu tôm Việt Nam. Ông Lực đề xuất: “Bộ NN&PTNT và ngành chức năng cần chuẩn hóa các cơ sở cung ứng tôm giống, thức ăn theo yêu cầu của thị trường nhằm tạo ra sự đồng bộ chuỗi giá trị tôm Việt Nam và tăng sức cạnh tranh trên thị trường; kiểm soát tốt việc tạm nhập tái xuất, lấy xuất xứ tôm Việt Nam nhằm giảm rủi ro tiềm tàng, có thể gây tổn thương uy tín thương hiệu tôm Việt Nam.

Thách thức đối với ngành tôm là rõ ràng và đang ở mức cao nhất, để vượt qua những thách thức này hữu hiệu nhất cần hạn chế tối đa sơ suất. Muốn vậy, con tôm Việt Nam trước hết cần phải sạch, có chứng nhận quốc tế và dễ truy xuất nguồn gốc. Ông Hồ Quốc Lực cho biết thêm: “Giá tôm nguyên liệu trong nước thời gian qua được giữ vững là nhờ trình độ chế biến của các nhà máy, nhưng về lâu dài, vấn đề này sẽ không còn vì các nước hiện cũng đang đầu tư cho chế biến rất nhiều, nên ngành tôm cần có giải pháp khả thi trong việc giảm giá thành sản xuất để tăng thêm tính cạnh tranh.

>> Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta: “Cần kiểm soát tốt các chế phẩm đầu vào nuôi tôm; có chương trình xây dựng hợp tác, hình thành trang trại lớn, chuẩn mực để dễ truy xuất nguồn gốc thuyết phục hệ thống tiêu thụ cao cấp chấp nhận giá cao. Sự đồng bộ của các thành viên trong chuỗi giá trị sẽ là yêu cầu thiết yếu trong thời gian tới”.
Xuân Trường