Tháng 6/2016 tại Bạc Liêu, dưới sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNN, UBND tỉnh Bạc Liêu, Hội Nghề cá Việt Nam và Tạp chí Thủy sản Việt Nam sẽ tổ chức Hội chợ Triển lãm Công nghệ ngành tôm Việt Nam 2016 – VietShrimp 2016. Nhân dịp này, phóng viên Tạp chí Thủy sản Việt Nam có cuộc trao đổi với bà Phan Thị Thu Oanh (ảnh), Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu, thành viên Ban tổ chức.
Ngành tôm góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế của tỉnh Bạc Liêu – Ảnh: PTC
Bà có thể cho biết vai trò của ngành thủy sản đối với tỉnh Bạc Liêu?
Bạc Liêu có nhiều lợi thế phát triển thủy sản, bờ biển dài 56 km với ba cửa biển lớn; diện tích nuôi thủy hải sản phong phú, vị trí địa lý thuận lợi giao thương, chính sách thông thoáng. Thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt việc phát triển ngành thủy sản, như: triển khai xây dựng hạ tầng 15.000 ha nuôi tôm công nghiệp, bán công nghiệp. Trong đó, cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu diện tích 830 ha; cơ sở hạ tầng vùng nuôi tôm, công nghiệp và bán công nghiệp tại các xã Vĩnh Hậu, Vĩnh Mỹ A (huyện Hòa Bình) với diện tích 7.640 ha; vùng sản xuất lúa – tôm ổn định huyện Giá Rai, diện tích 7.000 ha; vùng nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) với 5.045 ha, tổng vốn đầu tư 388,5 tỷ đồng; Khu vực kênh Giồng Me – kênh Cà Mau – Bạc Liêu diện tích 4.057 ha… Ngành thủy sản Bạc Liêu ngày càng đóng góp lớn cho GDP của tỉnh và giải quyết hàng vạn công ăn việc làm ổn định cho người dân.
Những nét riêng của thủy sản Bạc Liêu là gì, thưa bà?
So với các tỉnh, thành trên cả nước thì thủy sản Bạc Liêu có diện tích nuôi trồng lớn, đồng thời địa phương chú trọng phát triển nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp nên sản lượng rất cao, chất lượng ổn định. Đặc biệt, ngành thủy sản chúng tôi phát triển khép kín, trong đó có phát triển công nghệ giống, công nghệ nuôi trồng, công nghệ chế biến, sản xuất thức ăn, chế phẩm… không chỉ cung ứng cho người dân trong tỉnh mà còn tiêu thụ khắp khu vực ĐBSCL. Các doanh nghiệp và người dân tương thân tương ái, cùng giúp nhau phát triển, đi đến thành công.
Ngành thủy sản Bạc Liêu đón nhận sự kiện VietShrimp 2016 như thế nào?
Chúng tôi rất vui và tự hào khi được Bộ NN&PTNT, Hội Nghề cá Việt Nam chọn Bạc Liêu là nơi tổ chức hội chợ triển lãm quốc tế lớn nhất khu vực. Tỉnh có Trung tâm Triển lãm Văn hóa – Nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu rất hiện đại, quy mô, âm thanh ánh sáng rất tốt, hệ thống khách sạn nhà hàng tiện nghi, giá cả hợp lý, phục vụ chuyên nghiệp. Chúng tôi mong muốn VietShrimp 2016 sẽ được tổ chức hai năm một lần tại địa phương.
Những nét độc đáo của VietShrimp 2016 khi tổ chức tại Bạc Liêu?
Chúng tôi dự kiến sẽ tổ chức nhiều tuyến tham quan các mô hình nuôi trồng và chế biến hiện đại tại Bạc Liêu. Đây cũng là những mô hình nổi tiếng là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay, kết hợp với du lịch sinh thái, du lịch văn hóa. Lâu nay việc phát triển thủy sản của tỉnh cũng luôn được xây dựng kết hợp với việc xây dựng các vùng văn hóa đặc trưng, các di tích văn hóa lịch sử. Hội chợ này thu hút rất nhiều nhà khoa học, quản lý, doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia… là dịp để tỉnh Bạc Liêu giới thiệu về tiềm năng và thu hút sự đầu tư trong lĩnh vực thủy sản. Các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đang ráo riết chuẩn bị để tham gia hội chợ, giới thiệu thành tựu và quảng bá hình ảnh của mình.
Ngành thủy sản Bạc Liêu đang muốn thu hút và phát triển những hạng mục nào?
Hiện, chúng tôi đang rất cần sự quan tâm đầu tư để xây dựng mạng lưới đê điều phục vụ nuôi trồng thủy sản. Trước kia, đê điều chủ yếu phục vụ trồng lúa. Tỉnh đã quy hoạch và đang đầu tư cho hệ thống cung cấp nước sạch phục vụ nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, việc đầu tư mạng lưới điện cho nuôi trồng thủy sản cũng là mối quan tâm lớn của chúng tôi. Việc chuyển từ nuôi quảng canh sang công nghiệp và bán công nghiệp đòi hỏi phát triển mạng lưới điện phù hợp. Ngoài ra, qua Hội chợ Triển lãm lần này, chúng tôi cũng muốn các nhà quản lý, nhà khoa học cùng chung tay giúp ngành thủy sản Bạc Liêu đối phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn.
Trân trọng cảm ơn bà!
Nguyễn Anh (thực hiện)
Để lại một bình luận