Mục tiêu hướng đến của ngành tôm là con số 10 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu (vào năm 2025) và trở thành công xưởng tôm của thế giới như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Để thực hiện được điều này, ngoài yếu tố thiên thời, địa lợi, Việt Nam cần rất nhiều điều kiện để hoàn thành, trong đó, mấu chốt là việc đoàn kết toàn ngành, đặt người nuôi và doanh nghiệp ở vị trí trung tâm, để tạo thành chuỗi hoàn chỉnh, nhằm nâng cao hơn nữa giá trị của con tôm Việt Nam. Quan trọng hơn, tạo một cuộc “cách mạng” để con tôm có những cú hích mới.

Sau thành công của Hội chợ Triển lãm Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ nhất năm 2016 (VietShrimp 2016) tại tỉnh Bạc Liêu, được sự đồng ý về chủ trương của Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh Bạc Liêu, Hội Nghề cá Việt Nam tiếp tục xây dựng kế hoạch, tổ chức Hội chợ Triển lãm Công nghệ ngành tôm Việt Nam lần thứ hai năm 2018 (VietShrimp 2018), nhằm tạo cầu nối để các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà sản xuất, chế biến xuất khẩu và các đơn vị “hậu cần” ngành tôm trong và ngoài nước gặp gỡ, hợp tác trao đổi và mở rộng sản xuất kinh doanh… Đồng thời, cũng là diễn đàn để người nuôi tôm tham gia, nhằm tìm ra hướng sản xuất hiệu quả và phát triển bền vững con tôm Việt Nam.

VietShrimp 2018 diễn ra trong 3 ngày, từ 27 – 29/4/2018 tại Nhà hát Cao Văn Lầu và Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Bạc Liêu, Quảng trường Hùng Vương, Phường 1, TP Bạc Liêu. Tập trung vào 2 sự kiện chính là Hội chợ triển lãm và chuỗi Hội thảo.

Thứ nhất là phần Hội thảo sẽ diễn ra trong ngày 27 và 28/4 với các chủ đề: Khoa học công nghệ phục vụ nuôi tôm công nghệ cao và Phát triển nuôi tôm bền vững. Mục đích, đánh giá tổng quan sự phát triển về công nghệ, quy trình sản xuất của ngành tôm Việt Nam thời gian qua. Từ đó, đưa ra những định hướng phát triển, giải pháp quản lý theo hướng hiệu quả, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Thứ hai là phần Hội chợ với quy mô 150 gian hàng của gần 120 doanh nghiệp trong nước và nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới như: Mỹ, Thụy Điển, Bỉ, Singapore, Đài Loan, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ… với nhiều lĩnh vực hoạt động như: Sản xuất tôm giống; thức ăn; thuốc, chế phẩm sinh học; công nghệ, máy móc, thiết bị; chế biến; dịch vụ hậu cần ngành tôm tham gia. Trong đó có sự tham gia của những tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Thủy sản Minh Phú; Công ty TNHH Uni-President Việt Nam; Skretting Vietnam; Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Công ty TNHH Khoa Kỹ Sinh vật Thăng Long; Công ty TNHH Giống thủy sản Dương Hùng; Công ty TNHH De Heus Việt Nam; Proconco…

Mỗi hội chợ hay hội chợ triển lãm đều có tiêu chí riêng. VietShrimp 2018 sẽ tập trung đến vấn đề công nghệ nuôi tôm. Cùng đó là câu chuyện về nuôi tôm bền vững. Ban tổ chức cố gắng mỗi lần hội chợ triển lãm diễn ra với một chủ đề mới và mang tính thời sự; thu hút đông đảo doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân tham gia. Đồng thời, phấn đấu để VietShrimp diễn ra 1 năm/lần, đưa VietShrimp trở thành hội chợ triển lãm truyền thống chuyên ngành về tôm quy mô lớn nhất Việt Nam, tiến tới mở rộng ra khu vực và thế giới. 

>> Ông Nguyễn Việt Thắng, Trưởng Ban tổ chức VietShrimp 2018: Ban tổ chức mong muốn, VietShrimp 2018 sẽ là nơi hội tụ của cộng đồng những người sản xuất tôm, ngồi lại cùng nhau để chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm, công nghệ mới, trở thành cầu nối để các doanh nghiệp trong nước và quốc tế trao đổi thông tin, tăng cường hợp tác kinh doanh; người nông dân nuôi tôm ở tỉnh Bạc Liêu và trên khắp cả nước được giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, hướng tới phát triển bền vững góp phần xây dựng, quảng bá thương hiệu, đưa con tôm Việt Nam ngày càng vươn xa trên trường quốc tế.
TSVN