Nguồn gốc hình thành và những giá trị văn hóa nổi bật của chợ nổi Cái Răng:
Theo một số tài liệu nghiên cứu cho biết: Chợ nổi Cái Răng được hình thành vào những năm đầu của thế kỷ 20, trước khi xuất hiện các chợ nổi Ngã Bảy (Hậu Giang), Ngã Năm (Sóc Trăng). Chợ nằm trên trục đường thủy sông Cần Thơ – kênh xáng Xà No nên rất thuận tiện cho việc giao thương, buôn bán với các tỉnh lân cận và cả vùng ĐBSCL. Đây là lý do chợ nổi Cái Răng có quy mô lớn và sầm uất nhất so với các chợ nổi trong vùng. Chợ nổi Cái Răng nằm trên một nhánh của dòng sông Hậu chảy qua quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Theo truyền thuyết, tên gọi “ Cái Răng” xuất phát từ câu chuyện hồi đầu thời khẩn hoang có con cá sấu rất lớn dạt vào đây, răng của nó cắm vào miệng đất này. Trong cuốn “Tự vị tiếng nói miền Nam”, tác giả Vương Hồng Sển cho biết: Cái Răng có nguồn gốc từ chữ Khmer “karan” nghĩa là “cà ràng” (ông táo). Người Khmer ở Xà Tón (Tri Tôn, An Giang) chuyên làm nồi đất và “karan” chất đầy mui ghe lớn rồi thả theo sông cái đến đậu ghe nơi chỗ chợ Cái Răng ngày nay để bán, năm này qua năm nọ. Lâu dần, mọi người phát âm karan thành “Cái Răng”, rồi trở nên địa danh thiệt của chỗ này.
Theo TS. Đào Ngọc Cảnh (Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Cần Thơ), khi hình thành Chợ nổi Cái răng nằm ở vị trí giao nhau giữa bốn con sông (Cần Thơ, Đầu Sấu, Cái Sơn, Cái Răng Bé), liền kề với chợ Cái Răng trên bờ. Đến thập niên 90 của thế kỉ XX, do trở ngại về giao thông đường thủy, chợ nổi được di dời qua khỏi cầu Cái Răng về phía Phong Điền, cách vị trí cũ trên 1 km. Hiện tại, Chợ nổi Cái Răng nằm ở phía hạ lưu sông Cần Thơ, cách cầu Cái răng khoảng 600 m với diện tích mặt nước khá rộng lớn, thuận lợi cho hoạt động của chợ nổi: chiều rộng chiếm luồng ngang sông trung bình 100 – 120 m, chiều dọc sông khoảng 1300 – 1500 m; diện tích mặt nước tương đối rộng nằm trên địa bàn quận Cái Răng với khoảng 300 – 400 ghe họp chợ mỗi ngày.
Tấp nập thuyền, ghe buôn bán trên chợ nổi Cái Răng.
Chợ nổi Cái Răng nằm trên trục đường thủy sông Hậu – kênh xáng Xà No nên rất thuận lợi cho việc giao thương, buôn bán với các tỉnh lân cận và cả vùng ĐBSCL. Chợ nổi Cái Răng có hàng trăm ghe thuyền tụ hội mua bán hàng hóa rất tấp nập: ghe hàng của người Việt bán trái cây, rau củ; ghe buồm của đồng bào Khmer chở bán cà ràng (bếp bằng đất nung); nhà bè của người Hoa bán tạp hóa… Các ghe chở hàng gia dụng, gốm sứ từ Biên Hòa, Sài Gòn, Lái Thiêu; các ghe chở lá lợp nhà, chiếu, than đước, thủy sản từ Cà Mau, Rạch Giá cũng lên tụ họp buôn bán làm cho chợ nổi Cái Răng ngày thêm sung túc, phong phú. Hàng hóa được bày bán ở chợ nổi rất phong phú, gồm nhóm hàng nông sản; nhóm hàng thủ công, gia dụng; nhóm hàng thực phẩm chưa chế biến và chế biến sẵn; hàng gia dụng thiết yếu hằng ngày…
Ghe thuyền chở đầy hoa quả trên chợ nổi Cái Răng.
Hình thức chào hàng khá độc đáo ở chợ nổi Cái Răng là sử dụng cây bẹo. Người bán loại hàng nông sản nào thì treo loại hàng đó lên một cây sào trên ghe để chào hàng. Những loại hàng hóa được bày bán trên ghe, thường thì mỗi ghe sẽ chuyên bán một loại mặt hàng. Trước mỗi ghe hàng, thường có một cây xào chống, trên đó treo loại mặt hàng mà ghe có. Ví dụ như, nếu ghe chuyên bán khoai lang thì trên cây xào sẽ treo lủng lẳng vài củ khoai, còn nếu ghe bán xoài thì trên cây xào sẽ có treo vài quả xoài như thể muốn người mua biết rằng “Ở đây có bán khoai” hoặc “Ở đây có bán xoài”. Những ghe như thế gọi là ghe bẹo.
Cây bẹo dùng để quảng bá “treo gì bán nấy” trên một ghe thuyền ở chợ nổi Cái Răng.
Và đây là những điểm đặc trưng đặc sắc của chợ nổi Cái Răng mà người ta thường gọi là “4 treo”
Treo thứ nhất, hẳn nhiều người biết là lối rao hàng độc đáo, treo những thứ ghe thuyền có bán trên cây tre dài khoảng 3-5m gọi là cây bẹo. Người Cần Thơ gọi đó là “treo gì bán nấy”.
Treo thứ hai, “treo mà không bán”. Đây cũng là điều khác lạ, hấp dẫn du khách đến với chợ nổi Cái Răng vì khi đến nơi này, họ được quan sát, tìm hiểu sinh hoạt, có khi đến vài thế hệ của những thương hồ sống trên ghe. Chỉ những gia đình với ghe thuyền chính là nhà mới có treo quần áo của trẻ con, người lớn như vậy.
Treo thứ ba, chợ nổi có đồ “không treo mà bán”. Do chợ hoạt động từ nửa đêm về sáng nên người đi chợ không chỉ tìm mua trái cây, nông sản. Những chiếc thuyền nhỏ len lỏi phục vụ khách đi chợ và tham quan chở các mặt hàng ăn nhẹ, giải khát như bánh, phở, hủ tiếu, cà phê… góp phần tạo sự gần gũi và náo nức hơn cho khu chợ.
Treo thứ tư, là hình thức “treo cái này nhưng bán cái khác” hay còn gọi là “bẹo lá bán ghe”. Nếu nhìn thấy trên cây bẹo không treo nông sản, trái cây mà treo một tấm lá lợp nhà hoặc tàu lá dừa thì người ta có thể mặc định hiểu ngay rằng chính chiếc ghe, xuồng có cắm cây bẹo là thứ mà chủ nhân muốn bán…
Chợ nổi Cái Răng thường họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Ngày xưa, người dân thường dùng xuồng ba lá, xuồng năm lá, ghe tam bản để về họp chợ nổi. Bây giờ có cả tắc ráng, ghe máy. Người đi mua cũng đến chợ bằng xuồng, ghe. Người chèo xuồng như nghệ sĩ uốn dẻo với cây chèo điều khiển những chiếc xuồng con len lỏi khéo léo giữa hàng trăm ghe thuyền mà không hề va quệt. Người miền Nam vốn chân chất, dân thương hồ trên sông nước miền Tây còn chân chất và đáng yêu hơn. Bởi họ phải vất vả mưu sinh trên sông nước hàng ngày, nên họ sống với nhau bằng cái tình của sông, của nước mênh mông và cởi mở. Không cố gắng tranh giành phần thắng, mà lựa nhau, nhìn nhau mà đi, lựa nhau mà bán, nhường nhịn, giúp đỡ, chia sẻ nhau mà sống. Đó là văn hóa tình người, điều làm nên sự đặc sắc của văn hóa chợ nổi Cái Răng.
Chợ đông nhất là vào khoảng 7- 8 sáng. Chợ không hoạt động và hoạt động rất ít vào các ngày Tết Âm Lịch (mồng 1 và mồng 2 Tết, Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng Năm âm lịch). Do nhu cầu của người đi chợ nên không chỉ có các xuồng trái cây, nông sản phẩm mà còn có nhiều loại dịch vụ khác: phở, hủ tiếu, cà phê, quán nhậu nổi… Các xuồng dịch vụ (thường là thuyền nhỏ) len lỏi phục vụ khách đi chợ và cả khách tham quan.
Sức hút của chợ nổi Cái Răng đối với thập khách chính là giữ gìn và phát huy được nét đặc trưng vùng sông nước và sự tươi ngon của hàng hóa nơi đây, thấy tâm hồn mình rộng mở và khoáng đạt hơn, cảm nhận được sự khác biệt của cuộc sống nơi đây, thấy được sự chân thành, giản dị và hiếu khách hiếm có của những con người vùng sông nước miền Tây nói chung.
Thuyền chở khách du lịch quốc tế đến chợ nổi Cái Răng.
Không chỉ giữ gìn được nét đẹp văn hóa vùng sông nước, ngày nay chợ nổi như một điểm du lịch hấp dẫn mà du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài rất thích khám phá và trải nghiệm. Cứ năm chiếc xuồng vào chợ thì có đến bốn chiếc chở người ngoại quốc, họ tỏ ra hiếu kì và thích thú từ khung cảnh đến con người miền sông nước, thậm chí đến cả câu rao hàng ngọt như “ mía lùi” của những cô gái Tây Đô.
Không gian chợ nổi Cái Răng còn là điểm đến hấp dẫn, mang sắc thái địa phương, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước, nâng cao đời sống cộng đồng chủ thể di sản và góp phần phát triển kinh tế – xã hội cho địa phương. Ngày nay, dù mạng lưới giao thông đường bộ đã phát triển rộng khắp nhưng Chợ nổi Cái Răng vẫn tồn tại và phát triển. Địa điểm họp chợ nằm trên tuyến giao thông đi các tỉnh ở phía tây sông Hậu như Cà Mau – Rạch Giá. Đồng thời, nơi này không xa dòng sông Hậu, con đường giao thông thủy liên vùng và quốc tế, cho nên Chợ nổi Cái Răng là nơi hội tụ của dân thương hồ khắp nơi đổ về, tạo nên sắc màu văn hóa đa dạng trên chợ nổi. Không gian văn hóa chợ nổi Cái Răng tích hợp nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể: tập quán xã hội và tín ngưỡng, tri thức dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian (đờn ca tài tử)… và những di sản này vẫn đang được gìn giữ và lưu truyền. Mặc dù có sự tiếp biến nhưng nhìn chung vẫn còn khả năng duy trì và phát triển.
Lễ đón nhận Bằng công nhận Di sản văn hóa phi vật thể chợ nổi Cái Răng.
Với những giá trị đặc sắc về văn hóa và kinh tế của chợ nổi Cái Răng, Tạp chí du lịch Rough Guide (Anh) đã bình chọn Chợ nổi Cái Răng là một trong 10 khu chợ ấn tượng nhất thế giới, mô tả là điểm đặc biệt lạ mắt với các thuyền bán hàng “rực rỡ sắc màu nhiệt đới”. Trang web youramazingplaces cũng đưa ra danh sách 6 chợ nổi đẹp nhất châu Á, trong đó có đề cập đến chợ nổi của khu vực ĐBSCL, mà chợ nổi Cái Răng là một điển hình. Chợ nổi Cái Răng được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia theo Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL ngày 10/3/2016. Nhân kỷ niệm 56 năm Ngày Du lịch Việt Nam (09/7/1960 – 09/7/2016), ngày 9 tháng 7 năm 2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Cái Răng đã tổ chức “Ngày hội du lịch Chợ nổi Cái Răng”, kết hợp với lễ đón nhận Quyết định công nhận văn hóa Chợ nổi Cái Răng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đoàn thuyền, ghe tấp nập về dự Ngày hội chợ nổi văn hóa Cái Răng năm 2016
Vài vấn đề về việc bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng:
Theo Viện Kinh tế – Xã hội TP Cần Thơ, cách đây vài chục năm, mật độ nhóm họp chợ nổi Cái Răng từ 500 – 600 tàu, ghe. Nhưng đến nay, chợ nổi chỉ còn khoảng 350 – 400 tàu, ghe. Nhà nghiên cứu văn hóa Nhâm Hùng (TP Cần Thơ) cho biết: “Về lý thuyết, nếu mỗi năm chợ nổi giảm 20 – 30 tàu, ghe thì đến năm 2035, 2040 chợ nổi Cái Răng sẽ biến mất. Hơn nữa, tình trạng người dân trên ghe, thuyền thường xuyên xả rác xuống sông gây ô nhiễm môi trường cũng là vấn đề cần được giải quyết”. Ước tính trung bình mỗi ngày có khoảng gần 1 tấn rác trực tiếp thải xuống lòng sông (Theo Báo Cần Thơ).
Mặt khác, do đường bộ ngày càng phát triển nên hoạt động giao thương trên chợ nổi có phần giảm sút. Tại chợ nổi Cái Răng, các trạm xăng nổi, xưởng sửa máy nổi, tiệm may nổi… trở thành yếu tố hạn chế luồng lạch, gây mất an toàn giao thông đường thủy.
Tại chợ nổi có các dịch vụ như: ghe bán đồ ăn, ghe bán nước uống, cà phê… cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ thực phẩm không an toàn và vệ sinh ăn uống. Đó quả là những thực trạng đáng lo ngại đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị kinh tế, văn hóa, dân sinh của chợ nổi Cái Răng hiện nay.
Trước thực trạng trên, để giữ gìn “hồn” cho chợ nổi cũng như giải quyết vấn nạn môi trường và các vấn đề khác, lãnh đạo TP Cần Thơ đã giao UBND quận Cái Răng xây dựng đề án “Bảo tồn và phát triển chợ nổi Cái Răng” do Viện Kinh tế – Xã hội TP Cần Thơ thực hiện với 3 phương án. Phương án 1 là giữ nguyên hiện trạng chợ nổi hiện nay. Phương án 2 là bảo tồn kết hợp giữa nguyên trạng và có can thiệp sắp xếp điều chỉnh. Phương án 3 sẽ di dời, xây dựng các công trình phao neo đậu, thành lập đơn vị quản lý chợ nổi. Trong đó, phương án 2 được Viện Kinh tế – Xã hội lựa chọn. Theo đó, sẽ quy hoạch có từ 300-400 chiếc ghe tàu neo đậu mua bán trên chợ nổi và đầu tư hơn 63,5 tỉ đồng xây thêm các công trình như: cầu tàu, du thuyền, phao phân luồng, nhà vệ sinh, ghe gom rác, trạm dừng chân, nhà hàng nổi ven sông…
Mới đây, Thành uỷ TP Cần Thơ đã thông qua phương án “giữ nguyên hiện trạng, có sắp xếp, điều chỉnh lại chợ nổi”. Tuy nhiên, để sớm khắc phục tình trạng trên, chính quyền quận Cái Răng cần gấp rút hoàn thiện đề án “Bảo tồn và phát triển Chợ nổi Cái Răng”. Trước mắt cần thực hiện tốt các ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo thành phố đối với việc cải tạo, nâng cấp Chợ nổi Cái Răng, tạo điểm nhấn thu hút khách du lịch đến thành phố, trên cơ sở hạn chế phá vỡ hiện trạng, đảm bảo an toàn giao thông thủy bộ và vệ sinh môi trường, thực phẩm; đồng thời phải bảo tồn tối đa những giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc của chợ nổi, nhằm đáp ứng nhu cầu sinh kế của người dân và du khách.
Đồng thời, thành phố cần tiếp tục nghiên cứu Không gian văn hóa Chợ nổi Cái Răng với các tập quán xã hội, tri thức dân gian, tín ngưỡng bản địa… của người dân sinh sống và sinh hoạt trong chợ nổi, làm cơ sở khoa học cho việc nghiên cứu về sự thích ứng cũng như cách thức ứng xử hòa hợp của người dân với hoàn cảnh thiên nhiên, địa lý, thổ nhưỡng và môi trường xã hội nơi đây. Có như vậy chợ nổi Cái Răng mới trở thành điểm đến tự hào không thể cưỡng lại của bất cứ ai đến với miền Tây.
Nguồn: Minh Vượng – http://baotang.thanhhoa.gov.vn
Để lại một bình luận