Vùng phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh được đánh giá là vùng đa dạng về mô hình sản xuất vì có 2 tiểu vùng: sinh thái ngọt và sinh thái lợ, có lợi thế phát triển đa cây, đa con. Trong đó, tôm nuôi được xem là “tôm sinh thái”, “tôm sạch”, được thị trường ngày càng ưa chuộng. Tuy nhiên, để nâng cao hơn giá trị con tôm sạch, cần có những giải pháp trong thu mua, liên kết, chế biến, tiêu thụ để nâng cao giá trị sản phẩm.

Mô hình “tôm sạch”

Vùng phía Bắc Quốc lộ 1A có diện tích tôm – lúa gần 40.000 ha, con tôm ở đây được đánh giá cao về chất lượng. Song, do nông dân chưa ứng dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất còn thấp. Trong khi đó, việc thu mua, vận chuyển tôm nguyên liệu ở vùng này xa các nhà máy chế biến nên giá “tôm sạch” còn thấp, chưa tương xứng với chất lượng.

Để nâng cao giá trị con tôm, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai một số mô hình nhằm góp phần nâng cao sản lượng tôm nuôi. Điển hình là mô hình canh tác tôm – lúa theo hướng tôm sạch, lúa an toàn gắn với liên kết chuỗi giá trị. Mô hình được triển khai với quy mô 50 ha cho 50 hộ dân ở các hợp tác xã (HTX) Thành Công 1 (xã Phong Thạnh A, TX. Giá Rai), HTX Tiến Công (xã Phước Long, huyện Phước Long), HTX Tấn Phát (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân). Hay mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh tôm – lúa theo hướng xanh được triển khai với quy mô 50 ha cho 50 hộ dân thuộc HTX Vinh Phát (xã Lộc Ninh) và HTX Dịch vụ lúa – tôm Chiến Thắng (xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân).

 tôm - lúa

Nông dân xã Vĩnh Lộc A (huyện Hồng Dân) thu hoạch tôm trên đất lúa.

Qua đánh giá, các mô hình cho năng suất tôm đạt từ 250 – 500 kg/ha, cá biệt một số hộ đạt đến 550 kg/ha. Có 100% số hộ tham gia mô hình đạt lợi nhuận từ 50 – 80 triệu đồng/ha.

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn thí điểm mô hình liên kết kinh doanh, sản xuất tôm quảng canh cải tiến theo hướng xanh. Mô hình được triển khai với quy mô 50 ha cho 50 hộ dân thuộc HTX lúa – tôm Đoàn Phát (xã Ninh Thạnh Lợi) và HTX Dịch vụ lúa – tôm Thành Lập (xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân).

Nhìn chung, các  mô hình nuôi tôm góp phần nâng cao năng suất và chất lượng con tôm, đảm bảo đủ chuẩn “sạch” để xuất khẩu.

thu hoạch tôm

Một điểm thu mua tôm sú, tôm càng xanh ở xã Vĩnh Lộc (huyện Hồng Dân). Ảnh: M.Đ

Giải pháp nâng cao giá trị

Trong chiến lược phát triển ngành Nông nghiệp, Bạc Liêu hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, an toàn, sạch, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, mở rộng liên kết sản xuất, hình thành và phát triển chuỗi giá trị ngành hàng đảm bảo hiệu quả cao và phát triển bền vững, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm. Đồng thời, chuyển giao tiến bộ khoa học – công nghệ mới vào sản xuất nuôi trồng thủy sản (NTTS), đặc biệt là mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm sạch, gắn với chế biến xuất khẩu…

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, bên cạnh việc thực hiện mô hình tôm sạch – lúa an toàn theo quy trình hữu cơ áp dụng trên hệ thống canh tác tôm – lúa vùng Bắc Quốc lộ 1A, ngành Nông nghiệp cũng tổ chức lại sản xuất theo hướng tập trung, sản xuất theo chuỗi giá trị ngành Tôm, phát triển bền vững, hiệu quả gắn với xây dựng cánh đồng lớn. Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 diện tích tôm – lúa đạt 50.000ha; tỷ lệ giá trị sản phẩm NTTS được sản xuất dưới các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 45%; tỷ lệ giá trị sản phẩm NTTS sản xuất theo tiêu chuẩn ASC, GlobalGap chiếm tỷ lệ trên 25%; tốc độ tăng năng suất lao động NTTS bình quân đạt 6,5%.

Mặt khác, chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm, sử dụng có hiệu quả các chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể đã xây dựng được bảo hộ gắn với phát triển chuỗi giá trị. Hướng đến nền “nông nghiệp sạch, sản phẩm sạch” nhằm giới thiệu, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm an toàn, sản phẩm chủ lực của tỉnh đến người tiêu dùng trong nước và thế giới.

Ngoài ra, ngành còn đẩy mạnh mô hình tôm – lúa, tôm càng xanh xen lúa ở tiểu vùng chuyển đổi sản xuất phía Bắc Quốc lộ 1A nhằm giữ lợi thế cạnh tranh về sản phẩm tôm sạch trên thị trường. Tăng cường khuyến khích doanh nghiệp, người nuôi tôm đẩy mạnh sản xuất có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, ASC… nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu sạch, chất lượng, có truy xuất nguồn gốc phục vụ cho các nhà máy chế biến xuất khẩu.

Minh Đạt

Nguồn: Báo Bạc Liêu