Nhận định về thị trường tôm năm 2023, ông Trương Ðình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết xuất khẩu tôm năm 2023 sẽ đối mặt khó khăn, thách thức lớn hơn rất nhiều so với năm trước. Tuy nhiên, ngành tôm vẫn có cơ hội riêng của mình, nên ngay từ bây giờ các doanh nghiệp phải chuẩn bị cho mình những đối sách phù hợp để không lỡ chuyến tàu cạnh tranh khi thị trường phục hồi trở lại vào nửa cuối năm 2023.

Giá tôm cao nhờ nội địa

Trong khi thị trường xuất khẩu khá trầm lắng thì thị trường trong nước lại hết sức nhộn nhịp, tạo nên cuộc cạnh tranh khá gay gắt giữa các thương lái, đại lý và doanh nghiệp. Có thể nói, từ đầu năm đến nay, chính thị trường nội địa mới là thị trường lớn mang tính quyết định đến việc duy trì mức cao của con tôm nước lợ. Có thời điểm giá tôm thẻ chân trắng loại 50 con/kg được đại lý và thương lái tranh mua dạng ô xy (tôm tươi sống) lên đến 160.000 đồng/kg, loại 30 con/kg giá 220.000 – 230.000 đồng/kg. Ðặc biệt tôm sú ôxy luôn có giá rất cao, nhất tôm sú loại lớn 20 – 25 con/kg giá 350.000 – 400.000 đồng/kg. Trao đổi với người viết, các đại lý, thương lái cho biết, thị trường tiêu thụ chính là TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một phần được đưa sang Campuchia. Riêng giá tôm (sú, thẻ) mua ướp đá có giá thấp hơn tôm ôxy 10.000 – 40.000 đồng/kg.

thu hoạch tôm

Thương lái cạnh tranh thu mua tôm ô-xy giúp giá tôm giữ ở mức cao dù thị trường xuất khẩu tôm khá ảm đạm từ đầu năm đến nay.

Nhu cầu trong nước tăng mạnh kéo giá tôm tăng cao càng khiến cho doanh nghiệp xuất khẩu thêm khó khăn vì trong cùng thời điểm này, các nhà nhập khẩu chào giá mua tôm thẻ giao quý III-2023 loại 50 con/kg tính ra chỉ vào khoảng 150.000 đồng/kg, tức ngang bằng giá nội địa. Sự ấm lên của thị trường nội địa là tín hiệu đáng được quan tâm và cần có cách tiếp cận phù hợp để khai thác tốt thị trường trong nước giúp giảm áp lực tiêu thụ tôm, giữ giá tốt cho người nuôi. Ðặc biệt, theo ông Hòe, sức tiêu thụ tôm sú của thị trường trong nước là rất tốt khi chiếm trên 50% sản lượng tôm sú năm 2022. Thực tế đầu năm đến nay cho thấy, do thị trường xuất khẩu khó khăn, một số doanh nghiệp có vùng nuôi tôm riêng khi thu hoạch đã không đưa vào dự trữ như trước mà bán ra thị trường nội địa do được giá cao hơn.

 

Khó khăn còn dài

Cũng theo ông Trương Ðình Hòe, biểu đồ xuất khẩu tôm năm 2022 đi ngược lại với quy luật hằng năm, khi tăng từ đầu năm đến hết tháng 8 và giảm từ tháng 9 – 12 (là những tháng cao điểm của chế biến, xuất khẩu hằng năm) kéo dài sang tận 2 tháng đầu năm 2023. Xu hướng tiêu dùng thế giới cũng cho thấy có sự chuyển dịch rõ rệt khi tiêu thụ tôm sú giảm trong khi tiêu thụ tôm thẻ lại tăng. Ông Trương Ðình Hòe chia sẻ: “Nói thật là hiện cá nhân tôi vẫn còn hoang mang chưa thể có nhận định gì về thị trường tôm sắp tới, bởi trong khi giá tôm trong nước vẫn đang duy trì ở mức cao thì giá tôm xuất khẩu lại giảm mạnh và hiện rất nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có đơn hàng giao tháng 4”.

Thách thức, khó khăn đối với ngành tôm năm nay theo ông Trương Ðình Hòe là rất lớn khi sức tiêu thụ của thị trường thế giới đang rất yếu, giá tôm xuất khẩu giảm mạnh. Hiện tồn kho thế giới vẫn lớn và khả năng sẽ còn kéo dài do giá bán ở mức cao trong khi người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu vì lạm phát. Với tồn kho lớn, nhập khẩu tôm của Mỹ chưa thể phục hồi trong 6 tháng đầu năm, nhu cầu vẫn tập trung nhiều hơn vào tôm cỡ nhỏ, là lợi thế của Ecuador. Xung đột Nga – Ukraine và lạm phát chưa có điểm dừng. Trong khi đó, thị trường nội địa đang lớn dần đẩy giá tôm trong nước lên cao, gây thêm không ít khó khăn cho doanh nghiệp chế biến trong vấn đề cạnh tranh thu mua nguyên liệu.

Cũng liên quan đến cạnh tranh, theo ông Trương Ðình Hòe, sự cạnh tranh giữa tôm Việt Nam với Ecuador và Ấn Ðộ năm nay sẽ trở nên gay gắt hơn khi sản lượng tôm của Ecuador năm 2023 dự kiến sẽ tăng lên 1,5 triệu tấn, tức gấp đôi sản lượng tôm thẻ của Việt Nam. “Giá tôm nhập khẩu trên thị trường thế giới đã giảm dần từ cuối năm 2022 và dự báo sẽ tiếp tục giảm thêm khi nguồn cung toàn cầu năm 2023 dự kiến tăng 6 triệu tấn. Do đó, gần như chắc chắn là khó khăn đối với ngành tôm sẽ còn tiếp tục kéo dài và xu hướng giá tôm giảm mạnh gần như không thể tránh khỏi, còn thị trường chỉ có thể hồi phục sớm nhất là từ sau nửa năm 2023” – ông Trương Ðình Hòe nhận định.

Tuy khó khăn đối với ngành đang hiện hữu và được dự báo còn kéo dài thêm, nhưng theo ông Trương Ðình Hòe, ngành tôm vẫn có cơ hội khi chúng ta có lợi thế về thuế suất nhờ các FTA; có nguồn tôm nguyên liệu lớn với đa dạng kích cỡ theo yêu cầu thị trường và điều quan trọng hơn là năng lực chế biến của các doanh nghiệp ngành tôm thuộc top đầu thế giới đủ sức cạnh tranh ở phân khúc sản phẩm tôm cao cấp. Do đó, để không lỡ chuyến tàu cạnh tranh trên cơ sở xác định lợi thế của mình và xu hướng tiêu dùng tại các thị trường chính, ông Trương Ðình Hòe đề xuất các doanh nghiệp cần tìm cho mình hướng đi phù hợp.

Trong bối cảnh trên, ông Hòe gợi ý một số giải pháp cho các doanh nghiệp, như: tìm nguồn tôm nhập khẩu giá rẻ để gia công cho khách hàng nhằm duy trì hoạt động và giữ chân lao động chờ thời cơ cuối năm. Thứ hai, là đầu tư vùng nuôi riêng cho doanh nghiệp mình để chủ động được nguyên liệu giá thành hạ. Thứ ba, là chuyển hướng xuất khẩu các sản phẩm đặc thù, như: tôm – rừng, tôm – lúa… đặc biệt là sản phẩm tôm sú với lợi thế lớn từ thị trường Trung Quốc. Thứ tư, là cần điều phối sản xuất theo xu hướng thị trường, thay đổi cơ cấu sản phẩm để chủ động đáp ứng nhu cầu theo từng phân khúc
thị trường…

Ðánh giá về thị trường Trung Quốc, ông Trương Ðình Hòe cho biết: “Ðây là thị trường lớn, có khả năng giúp doanh nghiệp có thể đạt tăng trưởng, nhưng trước hết, chúng ta cần phải có tôm nguyên liệu với giá thành hợp lý để dễ tiếp cận thị trường và tăng tính cạnh tranh.

Bài, ảnh: Hoàng Nhã

Nguồn: Báo Cần Thơ