Để góp phần đảm bảo quyền và lợi ích của người sản xuất, tiêu dùng khi sử dụng chỉ dẫn địa lý tôm sú Cà Mau, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh vừa ban hành Quy chế kiểm soát chỉ dẫn địa lý “Cà Mau” cho sản phẩm tôm sú của tỉnh.

Quy chế quy định rõ trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiểm soát chỉ dẫn địa lý “Cà Mau” cho sản phẩm tôm sú; quy định về nội dung, trình tự, thủ tục và hướng dẫn thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát việc sử dụng chỉ dẫn địa lý tôm sú Cà Mau nhằm đảm bảo nguồn gốc, chất lượng và danh tiếng.

Các nội dung kiểm soát được quy định bao gồm: Kiểm soát sự tuân thủ các quy định về nuôi, chế biến; kiểm soát về nguồn gốc sản phẩm (giống, khu vực địa lý); kiểm soát dấu hiệu sử dụng chỉ dẫn địa lý; kiểm soát chất lượng sản phẩm cuối cùng mang chỉ dẫn địa lý trong hoạt động thương mại và các nội dung khác có liên quan.

tôm sú cà mau

Ảnh minh họa. Nguyễn Thành/TTXVN

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Cà Mau, hoạt động kiểm soát được thực hiện 1 lần/năm; trong đó tiến hành kiểm tra, kiểm soát đột xuất trong các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý của các tổ chức, cá nhân sử dụng chỉ dẫn địa lý; phát hiện hành vi vi phạm hoặc nhận được thông tin khiếu nại tố cáo có hành vi vi phạm việc sử dụng chỉ dẫn địa lý được quy định trong Quy chế quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý tôm sú Cà Mau và một số nội dung quan trọng khác.

Trước đó, ngày 30/9/2021, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định 4287/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00110 cho sản phẩm tôm sú của tỉnh Cà Mau. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh là Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý này. Khu vực địa lý gồm các xã, phường và thị trấn thuộc tỉnh Cà Mau.

Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi trồng thủy sản trên 300.000 ha, trong đó, diện tích nuôi tôm khoảng 280.000 ha. Tôm sú Cà Mau là một trong những mặt hàng thế mạnh của tỉnh. Hiện, tôm sú Cà Mau đã được nhiều tổ chức quốc tế cấp chứng nhận ASC, B.A.P, GlobalGAP, EU, Nuturland… có mặt trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bình quân hàng năm, tỉnh chế biến tôm xuất khẩu đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.

Cà Mau đặt mục tiêu đến năm 2030, diện tích nuôi tôm giữ ổn định nhưng sản lượng và chất lượng tôm gia tăng cao thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao.

Kim Há

Nguồn: TTXVN