Trong nuôi tôm, nguồn thức ăn dư thừa là nguyên nhân làm ô nhiễm môi trường ao nuôi, xuất hiện mầm bệnh. Xin hỏi cách xử lý hiệu quả?

(Lâm Quốc Tuấn, xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) 

Trả lời: 

Để hạn chế thức ăn dư thừa trong ao nuôi theo hình thức công nghiệp, người nuôi cần tính toán chính xác tỷ lệ sống của tôm nhằm điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Chọn loại thức ăn chất lượng tốt, độ tan rã trong nước ít và sử dụng hợp lý, tránh thừa thức ăn. 

Cho ăn đúng kỹ thuật, đúng và đủ số lượng, chất lượng. Ngoài ra, người nuôi cần tuân thủ việc thực hành nghề nuôi đảm bảo an toàn và khoa học mới có thể giúp cho ao nuôi phát triển hiệu quả, mang lại năng suất và thành công cho vụ nuôi. Đặc biệt từ tháng thứ hai trở đi, lượng bùn đáy chất thải trong ao bắt đầu tăng nhanh do lượng thức ăn tăng. 

Giai đoạn này, việc quản lý chất thải bùn đáy chính là quản lý tốt thức ăn và chất lượng nước. Các biện pháp xử lý chất thải trong ao nuôi tôm là thay nước đáy hoặc dùng hệ thống thoát nước trung tâm, hoặc dùng máy hút bùn ra khỏi ao. Trong đó, giải pháp hút bùn ra khỏi ao nuôi mang lại hiệu quả khá cao nhưng cũng có thể gây nguy hại cho tôm tùy thuộc vào kỹ thuật hút bùn và điều kiện từng ao nuôi. 

Một lưu ý quan trọng là chỉ hút chất thải khi thật sự cần thiết, nên tiến hành hút bùn vào buổi sáng hàng ngày và mỗi đợt hút bùn kéo dài khoảng 5 – 7 ngày. Khi hút bùn cần thải vào các vị trí không gây ảnh hưởng cho những người nuôi tôm xung quanh. Cần tăng hàm lượng ôxy hòa tan bằng hệ thống quạt nước hoặc sục khí để giảm tác hại của bùn đáy. 

Ban KHKT

Nguồn: Tạp chí Thủy sản Việt Nam