Việt Nam đã và đang trở thành thủ phủ của ngành tôm thế giới nhưng để duy trì và phát triển bền vững ngành tôm, đem lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng và người nuôi, ngành tôm Việt Nam cần có những bước đột phá mới. VietShrimp 2018 được kỳ vọng sẽ là điểm tựa để ngành tôm hoàn thành và vượt những mục tiêu đặt ra trong năm 2018.
Vươn tầm cao mới
Việt Nam là một trong ba nước sản xuất tôm hàng đầu thế giới, kim ngạch đạt khoảng 4 tỷ USD/năm; trong khi thị trường tiêu thụ tôm và các sản phẩm thủy sản trên toàn cầu đang là mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng, với dân số khoảng hơn 7 tỷ người, dự kiến đến năm 2050 con số này là 9 tỷ. Do vậy, cơ hội phát triển của ngành tôm Việt Nam là rất lớn.
Năm 2017, ghi nhận một năm khá thuận lợi cho ngành tôm Việt Nam khi thời tiết mùa vụ thuận lợi, giá bán ổn định mức cao và ngành tôm đã đạt giá trị kim ngạch 3,8 tỷ USD, xuất khẩu đến 93 thị trường (tăng 8 thị trường so năm 2016). Thành tích này rất đáng ghi nhận trong bối cảnh ngành tôm châu Á vẫn bị khủng hoảng nghiêm trọng vì dịch bệnh; hầu hết các nước chưa thể khôi phục được diện tích và sản lượng, điển hình là Ấn Độ. Ngoài ra, bão lụt cũng khiến ngành tôm châu Á chịu nhiều thiệt hại.
Ngành tôm Việt Nam gặt hái nhiều thành công trong năm qua là do người dân đã dần tuân thủ hướng dẫn của các nhân viên kỹ thuật, nuôi trồng theo chỉ dẫn của ngành, giảm thiểu được thiệt hại, tỷ lệ nuôi tôm thành công cao. Trong nuôi trồng cũng đã ghi nhận việc người dân chuyển sang nuôi thâm canh, đầu tư vào các ao tôm ứng dụng công nghệ cao giúp tăng năng suất và sản lượng, giảm dịch bệnh.
Xuất khẩu thủy sản sang EU ước 1,47 tỷ USD, tăng 21,2% so năm 2016 cho thấy sản phẩm thủy sản Việt Nam đã khẳng định được vị trí của mình tại thị trường khó tính này. Trung Quốc là nước nuôi tôm có diện tích lớn, nhưng cũng trở thành thị trường tăng trưởng mạnh nhất trong nhóm các thị trường của Việt Nam, với mức tăng 60,2%, đạt 637,9 triệu USD. Hầu hết các thị trường tôm của Việt Nam đều có tăng trưởng tích cực trong năm 2017.
VASEP nhận định năm 2018, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt trên 8,5 tỷ USD, tăng 3% so năm 2017, nhờ sản phẩm tôm xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc… sẽ tăng mạnh.
Sự lớn mạnh của doanh nghiệp
Có thể khẳng định, thời kỳ làm tôm “tay ngang” đã qua. Trước đây, nhiều người làm tôm chỉ vì lợi nhuận, kinh doanh nhiều mặt hàng, ngành hàng, họ chỉ coi làm tôm cá là “nghề tay trái”. Thế hệ các doanh nhân ngành tôm hiện nay đều là những người trẻ tuổi, được đào tạo bài bản về thủy sản, có trình độ chuyên môn, có khát vọng với ngành tôm. Do đó, phần lớn các doanh nghiệp đều đầu tư bài bản từ khâu làm giống, nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu; cùng đó là ứng dụng thiết bị và công nghệ hiện đại. Từ đó, xây dựng vùng nuôi, làm thương hiệu, chủ động liên kết để xuất khẩu. Nhiều tên tuổi hàng đầu phải kể đến như: Tập đoàn Minh Phú, Grobest Việt Nam, Uni-President Việt Nam, Vĩnh Thịnh Biostadt, Thăng Long, C.P, Việt – Úc, Nam Miền Trung, Dương Hùng, Skretting…
VietShrimp chắp cánh thành công
Hội chợ Triển lãm Công nghệ ngành tôm Việt Nam (VietShrimp 2018) dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 27 – 29/4/2018, tại Nhà hát Cao Văn Lầu, Quảng trường Hùng Vương, P. Nhà Mát, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu với chủ đề “Đổi mới để thành công”. Bạc Liêu là một trong những địa phương có nhiều lợi thế cho phát triển thủy sản, trong đó có con tôm. Những năm qua, Bạc Liêu đã đầu tư mạnh vào nông nghiệp công nghệ cao, tạo nhiều điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng các mô hình công nghệ cao trong nuôi tôm, mang lại giá trị sản lượng và kim ngạch lớn. Riêng diện tích nuôi tôm siêu thâm canh đạt 270 ha, diện tích mặt nước nuôi khoảng 200 ha, với năng suất nuôi 100 – 300 tấn/ha; sản lượng khoảng 25.000 – 30.000 tấn, tạo giá trị khoảng 5.000 – 6.000 tỷ đồng/năm. Chính nhờ sự phát triển của ngành tôm mà tỉnh Bạc Liêu vinh dự được chọn là nơi diễn ra VietShrimp, hội chợ triển lãm ngành tôm lớn nhất của Việt Nam.
VietShrimp lần thứ nhất, năm 2016 có 120 gian hàng của gần 100 doanh nghiệp trong nước, quốc tế; 40 nhà quản lý từ các bộ, ngành trung ương, địa phương; Gần 30 diễn giả là nhà khoa học, các tổ chức quốc tế, phi chính phủ và hơn 10.000 lượt khách tham quan gây tiếng vang lớn. Hội chợ triển lãm đã khơi dậy niềm tin tưởng, tự hào của người nuôi tôm ĐBSCL, góp phần vào những bước phát triển của ngành tôm trong năm 2107 vừa qua.
Và tin chắc rằng, VietShrimp 2018 sẽ thu hút sự quan tâm của hàng vạn người nuôi tôm, các trại tôm, các công ty trong nước và nước ngoài, các sở ban ngành cũng như du khách… Đây cũng sẽ là một trong những hoạt động lớn và hấp dẫn nhất của ngành tôm ĐBSCL nói riêng và ngành tôm cả nước nói chung.
>> VietShrimp 2018 dự kiến có gần 200 gian hàng trưng bày của ngành tôm; đặc biệt sẽ có 3 – 4 phiên hội thảo lớn với các chủ đề chính là: Đổi mới để ngành tôm thành công; Đổi mới công nghệ nuôi tôm và tổ chức, liên kết sản xuất tôm thích ứng biến đổi khí hậu. Tập trung vào chủ đề đổi mới công nghệ, hiện đại hóa ngành tôm… đáp ứng mong mỏi của người nuôi tôm ĐBSCL về một sự nghiệp nuôi tôm hiện đại, hiệu quả, bảo vệ sự bền vững của môi trường sinh thái, xây dựng thương hiệu uy tín cho ngành tôm Việt Nam. |
Nguyễn Anh
Để lại một bình luận