Ngày xuân nói chuyện XANH chắc chắn sẽ thêm thú vị, bởi mùa xuân là giai đoạn xanh cả đất trời, xanh đẹp nhất trong năm. Bây giờ cũng nên chú trọng từ ngữ xuân xanh thay thế cho xuân hồng, dù biết xuân hồng vẫn là xuân hồng, bởi chữ HỒNG tiêu biểu cho trăm sắc hoa đua nở khi xuân về, cho sự mong ước mọi điều tốt đẹp, trọn vẹn. Nhưng XANH tiêu biểu cho sự bền vững, trường tồn…

Trở lại chủ đề của VIETSHRIMP, đây là sự đáp ứng cần thiết và kịp thời. Chỉ có XANH HÓA VÙNG NUÔI thì con tôm, con cá – hai sản phẩm thủy sản xuất khẩu chủ lực của ta mới được người tiêu dùng quan tâm hơn và thưởng thức. Xu thế, sự đòi hỏi của các hệ thống tiêu thụ lớn trên thế giới, đi đầu ở khu vực EU, ngành thủy sản ta phải có giải pháp kiểm soát, hạn chế, trung hòa khí thải trong quá trình khai thác, nuôi, chế biến và tiêu thụ. Trong các mắt xích chuỗi giá trị, khâu nuôi chiếm vị trí hết sức quan trọng. Quan trọng trong việc hình thành giá trị chung và quan trọng trong việc tạo ra rác thải, khí thải. Do đó, XANH HÓA VÙNG NUÔI không phải là thách thức, áp lực mà là nâng cao giá, trị, hình ảnh sản phẩm thủy sản xanh sạch của ta; nâng cao sức cạnh tranh; qua đó thuận lợi vươn tầm.

Trong thực tế, có rất nhiều giải pháp các cơ sở nuôi, chế biến đang thực nghiệm, đang ứng dụng và đã có kết quả ban đầu khá tốt, có tiếng vang. Các cơ sở nuôi biết tính toán bố trí ao nuôi sao dễ kiểm soát tình hình đáy ao, hạn chế hình thành khí độc. Các chế phẩm, tập trung chế phẩm vi sinh, được sử dụng để xử lý khí độc và phân hủy chất thải đáy ao nhanh hơn, ít gây ô nhiễm hơn. Mật độ thả nuôi được tính toán phù hợp từng mùa vụ, thời tiết nhằm bảo đảm môi trường tôm sinh trưởng tốt nhất, hạn chế thiệt hại, hạn chế ô nhiễm.

Các cơ sở nuôi cũng quan tâm nghiên cứu cách thức tính toán mức thức ăn cho tôm, cá trên nền tảng tính toán các yếu tố tác động tích cực (thời tiết, con giống tốt) lẫn tiêu cực (thời tiết thất thường, dịch bệnh) và từng loại thức ăn nhằm giảm thức ăn mà tôm, cá vẫn phát triển như mong muốn. Việc này không chỉ mang lợi ích kinh tế mà còn giảm phát thải từ nguồn thức ăn dư thừa nếu cho ăn không phù hợp. Giải pháp sử dụng vi sinh và thức ăn đúng dủ sẽ góp phần to lớn nhất trong hành động xanh hóa vùng nuôi.

Bên cạnh đó, các cơ sở nuôi đã ý thức chừa diện tích nuôi để xử lý nước thải, chứa bùn thải theo quy định, góp phần giảm thiểu ô nhiễm chung… Chất thải rắn từ nuôi tôm có thể dùng để nâng đáy ao trải bạt đáy, giảm việc có thể phồng đáy và nước bên ngoài thâm nhập vào ao nuôi; chất thải rắn từ ao nuôi cá nước ngọt có thể làm nguyên liệu tạo ra phân bón, giảm thiểu ô nhiễm và tăng lợi ích.

Tôi biết công ty ABT ở Bến Tre đã thành công trong việc lấy bùn thải từ hệ thống xử lý nước thải nhà máy chế biến cá tra để làm thức ăn nuôi trùn quế và đã rất thành công. Hiện nay ABT đang tim cách xử lý bùn thải ao nuôi cá để làm phân bón cây. Việc này mang ý nghĩa cho cả kinh tế xanh lẫn kinh tế tuần hoàn! Trại nuôi tôm Sao Ta ở Sóc Trăng đã chú trọng sản xuất vi sinh xử lý chất thải, khí thải đáy ao nuôi, thực nghiệm trong 6 năm qua, đã có kết quả khá tốt ban đầu…

Những động thái, giải pháp trên góp phần hạn chế khí thải, rác thải để vùng nuôi thêm êm ả, không bị tác động xấu, góp phần xanh hóa vùng nuôi. Cơ sở nuôi tôm, nuôi cá quy mô kha khá trở lên, bây giờ đa phần đã trong quỹ đạo này. Trên là XANH chiều sâu, vùng nuôi còn XANH bề nổi. Đó là các khu rừng phòng hộ ven đê các vùng nuôi đã được chú trọng phủ xanh đều khắp và rộng mở hơn. Kết quả này, ngoài sự nỗ lực của chính quyền, người dân địa phương, còn có sự tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ và các cơ sở nuôi quanh đó.

Hội thảo và phát động chủ đề nêu trên, VIETSHRIMP cũng tự làm tăng uy tín, tiếng tăm của mình. Bởi lẽ, như đã phân tích ở trên, xanh hóa vùng nuôi sẽ có nguồn nguyên liệu xanh cung ứng cho các cơ sở chế biến, là nền tảng để chúng ta có sản phẩm thủy sản xanh cung ứng các hệ thống phân phối cao cấp trên thế giới, mang lợi ích lâu dài cho ngành thủy sản nói riêng, xã hội nói chung. Qua đó cũng góp phần XUÂN XANH hơn, KHÔNG GIAN SỐNG XANH hơn và TƯƠNG LAI XANH sớm rõ nét, hiện thực hơn. Sự chung tay này, thế giới bớt lo lắng và an bình hơn, tương lai xanh bền vững hơn.

TS. Hồ Quốc Lực