Là lĩnh vực mũi nhọn của ngành thủy sản, nhưng sản xuất tôm tại Việt Nam gặp không ít thách thức cho sự phát triển; theo đó, rất cần những giải pháp tháo gỡ. Đây cũng là mục đích hướng đến của Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam 2020 (VietShrimp 2020).
Nhiều thách thức
Nuôi tôm là nghề chủ lực, thế mạnh của khu vực ĐBSCL, đạt được nhiều thành quả tích cực trong thời gian qua. Thể hiện bằng việc có sự tham gia ngày một sâu rộng của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, nông dân trong việc ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, những mô hình hay, hiệu quả vào sản xuất; góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm và đưa ngành tôm Việt Nam có một vị thế nhất định trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, sản xuất tôm nước lợ cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức, đó là vấn đề môi trường, dịch bệnh; đặc biệt, trong thời gian gần đây, một số quốc gia đã ghi nhận nhiều hình thái, dịch bệnh mới gây hại cho tôm. Những tháng cuối năm 2019, tình hình nhiễm bệnh vi bào tử trùng (EHP) trên tôm nước lợ đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương như Quảng Nam, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…; đây là loại bệnh không gây chết hàng loạt nhưng có ảnh hưởng rất lớn về kinh tế đối với nghề nuôi tôm. Bệnh phân trắng cũng bùng phát mạnh tại các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Không chỉ là vấn đề dịch bệnh, việc sản xuất tôm của người dân cũng gặp bất lợi khi chịu sự cạnh tranh gay gắt cũng như hàng rào kỹ thuật từ các thị trường nhập khẩu trên thế giới mà năm 2019, điều này thể hiện rõ nét nhất. Bởi, từ tháng 3 – 8/2019 giá tôm giảm mạnh đã làm ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu toàn ngành; nguyên nhân do các nước như Ấn Độ, Ecuador trúng mùa tôm, giá thành sản xuất thấp, nguồn cung dồi dào. Cũng do giá thành sản xuất tôm ở ĐBSCL cao nên không ít doanh nghiệp nhập tôm nguyên liệu từ Ấn Độ về với giá rẻ hơn, làm cho tôm trong nước bị cạnh tranh và dư nguồn cung. Sự cạnh tranh này phần nào cũng đến từ việc Việt Nam hiện vẫn chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ chọn tạo, gia hóa, chưa thể chủ động cung ứng giống; mỗi năm, vẫn phải nhập khẩu khoảng 90% tôm chân trắng bố mẹ, còn tôm sú bố mẹ một phần vẫn phải thu gom từ tự nhiên. Cùng với đó, hiện cả nước có rất nhiều doanh nghiệp cung cấp sản phẩm thức ăn, thuốc dùng trong nuôi tôm; nhưng chất lượng chưa đồng đều và thực tế sản xuất cho thấy, người nuôi chưa được tiếp cận nhiều với các sản phẩm có chất lượng cao, sản phẩm trôi nổi thì lại được đưa tới các trang trại, ao tôm thường xuyên.
Để nuôi tôm bền vững
Trước những khó khăn bất lợi không nhỏ đó, rất cần có những dự báo thách thức mới cho ngành tôm Việt Nam, để có sự chủ động ứng phó trong thời gian tới, hướng đến sản xuất tôm bền vững và hiệu quả. Theo các chuyên gia, cần nhanh chóng giảm chi phí giá thành nuôi nhằm tăng khả năng cạnh tranh; sắp xếp lại vùng nuôi tôm để hình thành các trang trại hay HTX có quy mô lớn theo chuẩn quốc tế, có chứng nhận. Đồng thời, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi, đảm bảo hệ thống thủy lợi tránh nguy cơ dịch bệnh lây lan và lâu dài cần tiến tới xây dựng cho được thương hiệu tôm Việt.
Thời quan qua, đã có rất nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn tiên phong nghiên cứu áp dụng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, tạo sản lượng lớn, chất lượng ổn định. Điển hình như mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kín, mô hình CPF-Combine của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, công nghệ 2-3-4 của Tập đoàn Minh Phú, ương tôm mật độ cao Raceway của Vinhthinh Biostadt, nuôi tôm siêu thâm canh trong ao tròn nổi theo công nghệ biofloc, công nghệ BioSipec… Đây là hướng đi bền vững và là xu thế phát triển tại Việt Nam, mở ra triển vọng bền vững cho ngành tôm.
Chung tay với sự phát triển của ngành thủy sản nói chung trong đó có con tôm, nhiều năm qua, Hội Nghề cá Việt Nam và Tạp chí Thủy sản Việt Nam đã tổ chức rất nhiều chương trình, sự kiện về thủy sản, nổi bật nhất là Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam (VietShrimp). Qua hai lần tổ chức lần tại Bạc Liêu, VietShrimp đã tạo thành tiếng vang lớn, là sự hội tụ của 4 nhà: Quản lý – khoa học – kinh doanh – nông dân để cùng nhau bàn giải pháp giúp ngành tôm phát triển bền vững. Lần thứ ba (sẽ diễn ra từ 14 -26/4/2021) tại Cần Thơ bên cạnh hoạt động triển lãm gian hàng, trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp còn là chương trình hội thảo với những chủ đề có ý nghĩa thiết thực trong tình hình nuôi tôm hiện nay như: Nâng cao chất lượng tôm giống; quản lý thức ăn cải thiện lợi nhuận trong nuôi tôm; các giải pháp kiểm soát dịch bệnh trong nuôi tôm và thiết bị chất lượng cao trong nuôi tôm…
>> Đến với VietShrimp 2020, các đơn vị sẽ có cơ hội tương tác trực tiếp với khách hàng, phát triển quan hệ kinh doanh với các đối tác; bởi, sự kiện này quy tụ hơn 10.000 khách tham quan, 200 đơn vị trưng bày là những nhà cung cấp hàng đầu về sản phẩm và giải pháp trong nuôi tôm, thủy sản Việt Nam và quốc tế cùng nhiều diễn giả trên thế giới. |
Mộc Lan
Để lại một bình luận