Chiều 24/6, nằm trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm công nghệ ngành tôm Việt Nam 2016 (VietShrimp 2016), Oxfam tại Việt Nam, WWF Việt Nam, Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản bền vững (ICAFIS), MCD phối hợp tổ chức hội thảo “Liên kết chuỗi trong nuôi tôm và hệ thống sản xuất tôm trong xu hướng biến đổi khí hậu”.

hội thảo liên kết chuỗi trong nuôi tôm và hệ thống sản xuất tôm trong xu hướng biến đổi khí hậu - vietshrimp 2016

Ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc ICAFIS cho biết, ngành thủy sản hàng năm đóng góp hơn 3% vào GDP cả nước, trong đó kim ngạch xuất khẩu thủy sản 7,92 tỷ USD, sản phẩm thủy sản được xuất khẩu tới 164 quốc gia. Tôm là một trong 4 sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt Nam (chiếm 44,39% năm 2015),  tạo công ăn việc làm và thu nhập cho khoảng 700.000 hộ gia đình và được đánh giá là ngành có mức tăng trưởng bình quân tốt, khoảng 6,82%/năm. Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu về chuỗi giá trị tôm trong khoảng 10 năm trở lại đây đều cho thấy “các liên kết chuỗi còn lỏng lẻo”. Điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng, khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm và làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.

Cùng đó, các đại biểu cũng nghe một số bài trình bày về các nội dung như: Chuỗi giá trị tôm hiện tại ở Việt Nam và những đề xuất của TS Lê Thanh Lựu; Thách thức đối với nghề nuôi tôm ở ĐBSCL của ông Phan Thanh Lâm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản II; Nghiên cứu hiện trạng và giải pháp bền vững thị trường xuất khẩu tôm nuôi – yếu tố đặc biệt quan trọng trong liên kết chuỗi bền vững tôm tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các diễn giả cũng tham gia trao đổi, bàn luận về những khó khăn trong việc thực hiện chuỗi liên kết và giải pháp cho vấn đề này.

Linh Chi – Ngọc Trinh